TTO – Hiện nay, theo số liệu của Công ty TNHH MTV cà phê Việt Thắng (Tập đoàn cà phê VN), trên các diện tích đất lấn chiếm, sang nhượng này đã xây dựng 66 căn nhà hoàn thiện, dở dang.
Nhiều công trình xây trái phép dọc quốc lộ 14 – Video: TRUNG TÂN
Đất do UBND tỉnh Đắk Lắk cho doanh nghiệp thuê để giao khoán đã bị hàng chục hộ dân lấn chiếm, phân lô bán, làm nhà ở san sát dọc quốc lộ 27, hi vọng được ‘hợp thức hóa’ vào khu đô thị Trung Hòa (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) đã quy hoạch.
Chiều 19-1, một lãnh đạo UBND huyện Cư Kuin, cho biết địa phương đã lên kế hoạch cưỡng chế hàng chục hộ gia đình, trong đó có cán bộ, công chức lấn chiếm đất Nhà nước rồi phân lô đem bán hưởng lợi bất chính…
Theo UBND huyện Cư Kuin, dọc quốc lộ 27 đoạn qua thôn 3 và thôn 8 (xã Ea Tiêu) có gần 60 hộ gia đình lấn chiếm đất trồng cà phê do Công ty TNHH MTV cà phê Việt Thắng (Tập đoàn cà phê VN) quản lý, giao khoán.
Hiện nay, theo số liệu của công ty, trên các diện tích đất lấn chiếm, sang nhượng này đã xây dựng 66 căn nhà hoàn thiện, dở dang.
Bất chấp bảng cảnh báo, hàng chục căn nhà vẫn xây dựng dọc quốc lộ 27 – Ảnh: TRUNG TÂN
Sáng cùng ngày, phóng viên ghi nhận nhiều lều quán đã đóng cửa. Tuy vậy, có vài trường hợp, dù đã bị ngăn chặn, người dân vẫn hoàn thiện các căn nhà đang xây dở.
Cách đó không xa, khoảng 5 ngôi nhà rộng khoảng 40m2/căn đã hoàn thiện phần thô nhưng bị ngăn chặn nên bỏ dở. Vài móng nhà vừa được xây dựng cách đây hơn 1 tuần cũng bị yêu cầu ngưng thi công.
Phía trong, một gia đình vẫn đang hoàn thiện căn nhà xây trái phép – Ảnh: TRUNG TÂN
Thế nhưng, hàng chục năm qua, gần 40 căn nhà cấp 4, nhà mái Thái đã mọc lên dọc quốc lộ 27 nhưng Công ty Việt Thắng cũng như UBND xã Ea Tiêu và huyện Cư Kuin không phát hiện, ngăn chặn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc lấn chiếm đất dọc quốc lộ bắt đầu từ năm 2009-2010 nhưng ồ ạt là từ 2018 đến nay khi nghe thông tin có khu dân cư gần đó sắp được quy hoạch.
Trong số các hộ này có trường hợp gia đình ông Phạm Ngọc Sơn nhận khoán của Công ty Việt Thắng nhưng năm 2010 tự ý cắt hơn 160m2 đất để làm nhà ở.
Năm 2016, diện tích giao khoán cho ông Sơn đã có quyết định thu hồi vườn cây nhưng hiện căn nhà xây trái phép vẫn đang tồn tại.
Nhiều nhà kiên cố, ở ‘ổn định’ nhiều năm nay bất chấp có cảnh báo – Ảnh: TRUNG TÂN
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh – giám đốc Công ty cà phê Việt Thắng – xác nhận việc người dân lấn chiếm đất Nhà nước giao cho công ty diễn ra từ lâu và nay vẫn chưa thể giải quyết.
Theo bà Hạnh, vài năm trở lại đây người dân nghe tỉnh quy hoạch khu đô thị Trung Hòa gần đó nên cho rằng Nhà nước sẽ thu hồi đất từ công ty giao về cho địa phương. Khi ấy, các công trình lấn chiếm, mua bán sẽ được ‘hợp thức hóa’.
Bà Hạnh cho biết trong số những hộ lấn chiếm, mua bán đất, làm nhà trái phép để ở còn có cán bộ nhà nước.
Một căn nhà ‘siêu to khổng lồ’ mới bị ngăn chặn khi mới hoàn thành phần móng – Ảnh: TRUNG TÂN
“Người dân lấn chiếm đất thì thẩm quyền xử lý thuộc về địa phương nhưng cũng có trách nhiệm của công ty trong việc buông lỏng quản lý đất đai. Hiện đơn vị đang phối hợp với công an, địa phương ngăn chặn những trường hợp làm mới và kiên quyết cưỡng chế những trường hợp cũ”, bà Hạnh nói.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND huyện Cư Kuin cho biết kế hoạch cưỡng chế hơn 60 căn nhà xây dựng trái phép trên diện tích đất Công ty cà phê Việt Thắng đang chờ phê duyệt.
Việc lấn chiếm đất giao khoán xây nhà, mở xưởng tại Công ty cà phê Việt Thắng khá phổ biến – Ảnh: TRUNG TÂN
Theo báo cáo của UBND huyện Cư Kuin, Công ty cà phê Việt Thắng được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê hơn 962,5ha đất tại TP Buôn Ma Thuột (419ha) và huyện Cư Kuin (518ha).
Tình hình sử dụng đất sai mục đích, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại công ty này diễn biến phức tạp, với gần 550 trường hợp. Trong số các công trình vi phạm, nổi cộm là các căn nhà dọc quốc lộ 27, khi người dân có ý định ‘đón đầu’ khu đô thị Trung Hòa đã có quy hoạch.
Huyện sẽ kiên quyết cưỡng chế các công trình vị phạm, đảm bảo sự nghiêm minh, đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của khu đô thị Trung Hòa sau này.