Theo chuyên gia, hiện nay hành vi đầu tư của nhà đầu tư bất động sản đang thay đổi mạnh mẽ với việc tái cấu trúc danh mục đầu tư.
Nhà đầu tư thay đổi hành vi
Chia sẻ cụ thể về giao dịch của nhà đầu tư bất động sản với VTV24 Money, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Chuyên gia tư vấn cao cấp GIBC cho biết theo quan sát nhóm vài chục nhà đầu tư cho thấy họ thực hiện tái cấu trúc lại nguồn vốn để đầu tư.
“Nhiều người trước đây mua nhiều loại sản phẩm bất động sản như đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm rồi chuyển đổi mục đích sử dụng rồi bán lại; họ chờ thời cơ, mua đất khắp nơi, xung quanh TP.HCM. Nhưng hiện nay họ phải tái cấu trúc danh mục lại. Thậm chí một số miếng đất ở khu vực thấy có sự thay đổi chậm, sốt đất không còn buộc họ phải rút vốn”, ông Nghĩa cho biết.
Theo vị này, hiện nay nhà đầu tưu điều chỉnh hành vi rất nhanh. Các đợt chào bán mới sản phẩm nhà đầu tư toan tính rất kỹ lưỡng, liệu dòng sản phẩm đó còn hấp dẫn hay không, mức tăng giá thế nào, vòng quay vốn, tỷ lệ thâm dụng ngân hàng ra sao… Thậm chí những nhà đầu tư trước đây thường dùng miếng đất này để đi vay đầu tư miếng đất khác giờ hầu như “nhát tay”.
“Nếu như trước đây họ có 2,3 sổ đỏ đem đi vay mua 1 sổ khác thì nay gần như nhát tay. Có những nhà đầu tư có những kinh doanh khác nhưng buôn bán khó khăn. Họ tìm cách rút bất động sản để nuôi mảng khác. Đang có những dịch chuyển về chất rất cao”, chuyên gia Nghĩa đề cập.
Ông Nghĩa nhấn mạnh tới việc sử dụng đòn bẩy trong đầu tư bất động sản, theo đó lượng nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, không dùng đòn bảy tài chính đầu tư bất động sản chiếm chưa tới khoảng 10% trên thị trường. Hầu như nhà đầu tư bất động sản dùng đòn bẩy tài chính, trong đó có dùng nguồn vốn từ đầu tư kinh doanh khác.
“Người sử dụng đòn bẩy một vài chục tỷ cho đầu tư thì bị áp lực, chắc chắn vòng quay của đầu tư cho bất động sản nay chậm hơn. Việc bỏ ra một vài tỷ để đầu tư 20-30% hợp đồng rồi bán ngay kiếm lời nhiều thì vòng quay này không còn nhanh nữa. Nhà đầu tư hiện nay cân đối bao nhiêu đầu tư cho dài hạn, bao nhiêu cho lượm tiền cắc ví dụ mua cho thuê lại hàng tháng, bao nhiêu đầu tư tài sản găm để chờ lên giá bán. Thay đổi này rất ghê gớm mà nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng sản phẩm tìm cách điều chỉnh hành vi đầu tư”, chuyên gia của GIBC cho biết.
Khả năng giảm giá khó có thể xảy ra
Nói về khả năng giảm giá của bất động sản, ông Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng giá bất động sản chung không giảm trên diện rộng, điều này khó có thể xảy ra.
Theo đó, một số loại hình bất động sản giảm trên diện rộng do bị ảnh hưởng quá nhiều bởi Covid-19 như văn phòng, bán lẻ cho thuê. Còn những sản phẩm nhà ở, nhà ở liền kề với đất và những sản phẩm khác giảm chỉ mang tính cục bộ với những tình huống khác nhau, giảm trên diện rộng như khủng hoảng về giá là không có.
“Vì điều kiện thị trường, đặc điểm nhu cầu, độ lớn quy mô thị trường của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn là thị trường mới nổi và đang tăng trưởng”, ông Nghĩa lý giải.
Đề cập tới thị trường tăng giá thời gian dài trước đây, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh Quốc cho rằng xu hướng diễn ra đúng như trên thế giới, là quá trình phân bổ lại tài sản của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, động lực khác là sự kỳ vọng chuyển biến chính phủ mới, hy vọng hoạt động đầu tư công diễn ra, hạ tầng mới được xây dựng, tạo ra những khu vực có giá bất động sản tăng mạnh…
Theo ông Hồ Quốc Tuấn, khi giá tăng rất nhanh thì có phải giai đoạn dừng lại. Nhưng theo chuyên gia này sẽ không có sự đảo ngược, giá sẽ không tăng mạnh và bình ổn. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, nhiều hoạt động bất động sản phải tạm dừng. Khi mở cửa nền kinh tế, đầu tư công được kỳ vọng chi ra mạnh, như vậy giá bất động sản vẫn có một khoảng để có thể đi lên.
Đề cập liệu có dòng tiền mới vào bất động sản trong thời gian tới, ông Hồ Quốc Tuấn cho rằng có thể có. Bởi vì nhu cầu từ nhà đầu tư Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan mua nhà ở Việt Nam vì họ nhìn thấy giá nhà ở Việt Nam còn rẻ. Nếu chúng ta cho phép những nhà đầu tư được mua thì dòng tiền tiếp tục đổ vào.
Theo ông Tuấn, thị trường có “nóng” hay không phụ thuộc chính sách là dòng tiền này c óđược vào hay không. Tuy nhiên câu hỏi có nên để chuyện này tiếp tục hay không. BởiTrung Quốc đã rất lo ngại khi nền kinh tế mở cửa trở lại thì giá bất động sản bị đẩy lên rất mạnh, họ đã có những biện pháp mạnh để cố gắng hạn chế giá bất động sản leo thang mạnh ngay sau dịch.
“Đây là một điều chúng ta có thể tham khảo vì khi chúng ta tích lũy một lượng tiền lớn, ai cũng tạm dừng và ngồi quan sát thì khi mở cửa thì lượng tiền này sẽ bung vào bất động sản với những kỳ vọng về đầu tư công, những dự án lớn. Chúng ta đi sau có thể học được bài học này, nên làm gì để giá bất động sản không tăng quá mạnh”, TS. Hồ Quốc Tuấn nêu ý kiến.