Phục hồi của thị trường bất động sản là bước đột phá để dẫn dắt, kích thích sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và Tp.HCM nói riêng.
Chia sẻ tại toạ đàm BĐS mới đây, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện nay, hội đồng tư vấn đang kiến nghị với Tp.HCM rằng trong chương trình trung hạn phục hồi kinh tế, xem phục hồi thị trường bất động sản là bước đột phá để dẫn dắt, kích thích sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và Tp.HCM nói riêng.
Đối với T;.HCM, bất động sản là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực để phát triển. Giờ hỗ trợ doanh nghiệp lại, cần nhóm chính sách: Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, tất cả nút thắt, thắt chỗ nào phải gỡ để doanh nghiệp bung lên. Tp.HCM có tới hơn 100 dự án tồn đọng, cần tháo gỡ để cho họ hoạt động. Nhưng khổ là mỗi dự án vướng khác nhau thì phải có hướng xử lý khác nhau, dù vậy, nhất quyết phải gỡ bởi đây là bước khởi động đầu tiên để cho thị trường phát triển.
Đồng thời, Tp.HCM có kinh nghiệm nhiều năm, xem đầu tư công như kích thích để tăng tổng cầu. Và kinh nghiệm nhiều năm cho thấy cứ 1 đồng đầu tư công sẽ kích thích đầu tư xã hội từ 8-10 đồng. Nếu giải ngân đầu tư công 50.000-60.000 tỉ đồng thì sẽ kích thích thị trường 500.000-600.000 tỉ đồng.
TS Trần Du Lịch
“Chúng ta cần có một chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng. Với các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, cần chương trình kích cầu lãi suất, thực hiện trong nhiều năm để tạo dòng tiền, kích thích. Lúc này, vai trò kết nối của ngân hàng và doanh nghiệp thông qua vai trò của chính quyền là rất cần thiết. Rút kinh nghiệm năm 2010-2012, có thể cung cấp tín dụng cho những doanh nghiệp bị nợ đọng, quá hạn, không còn khả năng vay để vẫn tạo dòng tiền cho DN hoạt động trở lại”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Dù hiện nay, chúng ta mới hé cửa kinh tế nhưng tin rằng, triển vọng trong nguy cơ, bây giờ rõ nhất là qua đại dịch, nhìn những bất cấp của tất cả lĩnh vực và trong sắp tới, có giải pháp để xử lý bất cập, để sau đại dịch phát triển bền vững.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính Ngân hàng, trong cuộc trao đổi với khoảng 14 hiệp hội, ngành nghề và một trong những vấn đề mong muốn nhất là cơ chế chính sách và khâu thực thi phải quyết liệt. Riêng thủ tục về đầu tư, xây dựng, nhất là thủ tục tiếp cận đất đai, dù đã được tiết giảm nhưng vẫn là phức tạp nhất. Vì vậy, còn rất nhiều dư địa để cải thiện. Thực tế, từ tháng 5/2020 có Nghị quyết 68 về cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020-2025 nhưng trong 1,5 năm qua chưa làm được nhiều, vẫn còn nhiều ách tắc, lãng phí.
Về kênh tiếp cận vốn, tín dụng bất động sản nhà ở không giảm. Đôi khi, điểm rơi chưa chính xác, siết thì siết chặt, lỏng thì thả lỏng.
TS Cấn Văn Lực
Về gói hỗ trợ lãi suất, ban đầu dự kiến hỗ trợ lãi suất 3-4%/năm, doanh nghiệp chỉ phải trả lãi suất khoảng 5%/năm. Câu hỏi đặt ra là vì sao không hỗ trợ nhiều hơn? Bởi, có lo ngại nếu hỗ trợ nhiều hơn sẽ rơi vào tình trạng như đã mắc phải từ 2008 là nhiều doanh nghiệp dùng tiền đó gửi ngân hàng lấy lãi. Với 3%/năm hỗ trợ lãi suất, nếu Chính phủ tung ra ngân sách khoảng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ.
Do đó, theo TS Cấn Văn Lực, phải xác định được nguồn tiền lấy từ đâu, có trọng tâm trọng điểm chứ không làm đại trà. Đấy là nguồn lực tuyệt vời để doanh nghiệp BĐS tiếp cận vốn.
“Liên quan gói cho vay nhà ở xã hội 30.000 tỉ đồng, chúng tôi ủng hộ. Giống như gói kích cầu năm 2013, Bộ Xây dựng đã rất quyết liệt. Vấn đề bây giờ phải rút kinh nghiệm những gì bất cập vướng mắc còn hạn chế, tồn tại khi triển khai gói đó để không lặp lại vướng mắc đó nữa. Để hạn chế xin cho, có thời gian cụ thể, cần quan điểm dứt khoát để doanh nghiệp, người dân hoạch định được kế hoạch tốt. Làm tốt việc cho ai vay, hỗ trợ chủ đầu tư hay người dân, cần làm rõ quan điểm và nếu triển khai thì nên thực hiện ngay trong giai đoạn 2022-2024”, ông Lực nhấn mạnh.