UBND TP.HCM vừa phê duyệt chương trình triển khai đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025.
Theo đó, TP.HCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị. Người dân sẽ được phục vụ tốt hơn, có chất lượng sống và làm việc tốt hơn, tương tác và giám sát chính quyền hiệu quả hơn.
Chương trình cũng đề ra mục tiêu tổng quát cho việc xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025: đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ triển khai đầu tư hoàn thiện 4 trung tâm của đề án đô thị thông minh gồm: Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho TP; Trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP; Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế – xã hội; Trung tâm An toàn thông tin TP và triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi dần chính quyền điện tử sang chính quyền số để phù hợp với vai trò của chính quyền quản lý đô thị thông minh.
Mục tiêu của đề án là giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, theo đó người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông; giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi/đỗ xe; dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp người dân và doanh nghiệp tìm được lộ trình di chuyển phù hợp, giúp giảm ùn tắc, cho phép người dân tham gia giám sát các hoạt động liên quan đến giao thông như doanh nghiệp vận tải, đào đường, công trình…
Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh cũng đem lại lợi ích cho người dân trong các lĩnh vực như: y tế, an toàn thực phẩm, môi trường, chống ngập, nguồn nhân lực, an ninh trật tự, chính quyền điện tử, chỉnh trang và phát triển đô thị.