Trong 61 dự án có 2 dự án bị trùng và 3 dự án không phải là hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư. Còn lại 56 hồ sơ nhà đầu tư đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư cho 56 dự án theo Luật Đầu tư 2014.
Đó là nội dung được trình bày tại hội nghị “Gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền Thành phố với doanh nghiệp BĐS năm 2021” do UBDN Tp.HCM tổ chức sáng 27/2/2021. Một trong những nội dung được đề cập tại hội nghị là trong năm 2020, trên địa bàn Thành phố có 61 dự án BĐS đã nộp hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không dự án nào được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình UBND TP.HCM để chấp thuận.
UBND Tp.HCM cho biết việc 61 dự án BĐS trên địa bàn được chuyển hồ sơ sang Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư nhưng không có dự nào được trình UBND Tp.HCM vì nhiều lý do.
Qua rà soát 61 dự án BĐS do Sở xây dựng Tp.HCM thống kê như nói trên, Sở KH&ĐT TP cho biết, những dự án này do nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Sở để thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
Trong 61 dự án có 2 dự án bị trùng và 3 dự án không phải là hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư. Còn lại 56 hồ sơ nhà đầu tư đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư cho 56 dự án theo Luật đầu tư 2014.
Trong 56 dự án này có 17 dự án đã trình báo cáo thẩm định đề nghị UBND Tp.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư; 18 dự án chưa nhận đủ ý kiến của các sở – ngành; 20 dự án đã yêu cầu nhà đầu tư bổ sung hồ sơ nhưng chưa nhận được hồ sơ bổ sung và 1 dự án nhà đầu tư rút hồ sơ.
Những hồ sơ được Sở Xây dựng chuyển sang trong tháng 1/2021, Sở KH&ĐT nhận thấy thành phần hồ sơ và việc lấy ý kiến các sở – ngành đang thực hiện theo quy định của Luật nhà ở, không sử dụng theo biểu mẫu quy định của pháp luật về đầu tư.
Trong khi đó, Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản hướng dẫn tạm thời của Bộ KH&ĐT không có hướng dẫn cụ thể về việc tiếp tục sử dụng thành phần hồ sơ hoặc sử dụng ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan đã gửi cho Sở Xây dựng để tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.
Do đó, Sở KH&ĐT đưa ra hướng xử lý đối với các dự án do Sở Xây dựng chuyển sang. Sở sẽ có văn bản đề nghị nhà đầu tư nộp lại hồ sơ theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.
Với ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan mà cơ quan đó đã đồng thuận thì Sở tiếp tục xem xét hồ sơ, không lấy lại ý kiến. Nếu có ý kiến chưa đồng thuận, đề nghị nhà đầu tư giải trình hoặc không phù hợp với Luật Đầu tư năm 2020 thì sẽ có văn bản hướng dẫn nhà đầu tư giải trình bổ sung và lấy lại ý kiến của các cơ quan chưa đồng thuận.
Trường hợp cơ quan nào chưa ý kiến thì sau khi nhà đầu tư nộp hồ sơ, Sở KH&ĐT sẽ đôn đốc để cơ quan đó sớm trả lời.
Trước đó, Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng, có dự án không vướng đất công nhưng Sở KH&ĐT vẫn yêu cầu nhà đầu tư bổ sung hồ sơ nhiều lần, chưa trình UBND Tp.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Sở KH&ĐT cho hay, trong quá trình xử lý hồ sơ, Sở không yêu cầu nhà đầu tư sửa đổi, bổ sung hồ sơ nhiều lần. Có chăng khi lấy ý kiến, các sở – ngành yêu cầu bổ sung hoặc giải trình thì Sở mới đề nghị nhà đầu tư bổ sung hồ sơ theo ý kiến của các cơ quan.