TTO – Ngày 30-8, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết tỉnh vừa ban hành quy định về tách thửa đối với đất ở và đất nông nghiệp trên địa bàn.
Thừa Thiên Huế quy định về việc tách thửa đất sau khi sáp nhập, mở rộng diện tích – Ảnh: NHẬT LINH
Theo đó, từ ngày 5-9, diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách thửa đối với các phường của TP Huế là 60m2 (riêng các phường vừa sáp nhập vào TP Huế hồi đầu tháng 7 là 80m2; các xã vừa sáp nhập vào TP Huế là 100m2).
Các thị trấn thuộc huyện, các phường thuộc thị xã và các xã đồng bằng là 100m2 (riêng các xã Phú Thuận, Phú Hải của huyện Phú Vang; thị trấn Sịa của huyện Quảng Điền là 80m2). Các xã trung du, miền núi là 150m2. Trong đó, kích thước cạnh mặt tiền lớn hơn hoặc bằng 4m theo hướng song song với đường giao thông; kích thước chiều sâu thửa đất phải lớn hơn hoặc bằng 5m.
Đối với đất trồng cây hằng năm (trừ đất lúa), đất nuôi trồng thủy sản thì việc tách thửa đất mới hình thành từ việc tách thửa và thửa đất còn lại phải đảm bảo diện tích tối thiểu như sau: các xã, phường thuộc TP Huế là 200m2; các thị trấn thuộc huyện và các phường thuộc thị xã là 300m2; các xã đồng bằng là 400m2 ; các xã trung du, miền núi là 500m2.
Với đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp khác: các xã, phường thuộc TP Huế: 400m2 ; các thị trấn thuộc huyện và các phường thuộc thị xã: 600m2; các xã đồng bằng: 800m2; các xã trung du, miền núi: 1.000m2.
Đối với đất lâm nghiệp là 5.000m2.
Trường hợp tách thửa đất ở có hình thành lối đi chung thì việc tách thửa đất được thực hiện sau khi có bản vẽ tổng thể sơ đồ mặt bằng phân lô được UBND cấp huyện chấp thuận.
UBND các huyện, thị xã, TP Huế rà soát các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật: giao thông, thoát nước…; hạ tầng xã hội, căn cứ quy định pháp luật quy hoạch, xây dựng, giao thông và phòng chống cháy nổ để hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện hạ tầng kỹ thuật giao thông, thoát nước, môi trường… đảm bảo phù hợp theo quy hoạch, kết nối hạ tầng kỹ thuật giao thông hiện hữu chung của khu vực.
Trường hợp tách thửa đối với thửa đất có diện tích lớn hơn hoặc bằng 5.000m2 thì UBND cấp huyện thực hiện phê duyệt phương án tổng mặt bằng sau khi lấy ý kiến thống nhất của Sở Xây dựng theo quy định.