Sức hút bất động sản Hà Đông: Cuộc ‘đổ bộ’ của các ‘ông lớn’

  • 3 năm trước
  • 0

Hạ tầng giao thông được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, không chỉ thay đổi bộ mặt của Hà Đông mà còn giúp khu vực này trở thành tâm điểm thu hút hàng loạt “ông lớn” bất động sản quy tụ.

Sức hút bất động sản Hà Đông: Cuộc 'đổ bộ' của các 'ông lớn'

Nguồn cung lớn đối với nhà liền kề, biệt thự hứa hẹn sẽ nâng tầm thị trường bất động sản Hà Đông.

Trải qua hơn 12 năm kề từ khi “về” Hà Nội, dù có lúc thăng lúc trầm, nhưng bất động sản Hà Đông vẫn luôn mang lại “quả ngọt” cho nhà đầu tư. Cùng với tốc độ đầu tư hạ tầng mạnh mẽ, thị trường nhà đất khu vực được dự báo sẽ tiếp tục là “điểm nóng” của Hà Nội trong nhiều năm tới.

Nhìn lại, bất động sản Hà Đông được sức sống như ngày hôm nay có phần công sức của các nhà đầu tư “có tầm” đã đi tiên phong khai mở thị trường hơn một thập kỷ trước như Nam Cường, Cienco 5…

Trước thời điểm chuẩn bị sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, Tập đoàn Nam Cường đã “đón đầu” với việc được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng KĐT mới Dương Nội, quy mô 203,8ha, diện tích đất quy hoạch đô thị 179,2ha với dân số 2,68 vạn người.

Không chỉ mang lại một ‘làn gió mới’ cho thị trường bất động, dự án còn góp phần thay đổi diện mạo địa phương. Với quy mô đầu tư vượt trội, đến nay KĐT Dương Nội vẫn là một biểu tượng của bất động sản Hà Đông.

Cùng với Nam Cường, thị trường giai đoạn đầu cũng chào đón các nhà đầu tư mới với nhiều dự án lớn như KĐT Thanh Hà (Cienco5 Land, sau này chuyển nhượng cho Tập đoàn Mường Thanh), KĐT Văn Phú (Văn Phú Invest), KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn (Tập đoàn Geleximco), KĐT Văn Khê (Công ty CP Sông Đà Thăng Long), KĐT An Hưng (Công ty CP Đầu tư Đô thị An Hưng) hay KĐT Xa La do Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư…

Qua thời gian, khu vực phía Tây Hà Nội, đặc biệt là Hà Đông, dần trở thành ‘thỏi nam châm’ của thị trường bất động sản Thủ đô.

Bước chuyển mình mạnh mẽ, bất động sản cao cấp lên ngôi

Sức hút bất động sản Hà Đông: Cuộc đổ bộ của các ông lớn - Ảnh 1.
Thị trường bất động sản Hà Đông đang chứng kiến việc “bung hàng” của nhiều tên tuổi lớn.

Hà Đông hiện là một trong những quận tập trung nhiều các dự án bình dân. Tuy nhiên, quận cũng đang đứng thứ 2 Hà Nội cả về nguồn cung cũng như lượng giao dịch phân khúc biệt thự/nhà đất, với lần lượt 28% và 24% thị phần.

Giá bán sơ cấp (giá bán từ chủ đầu tư) trung bình của biệt thự quý I/2021 đạt 4.463 USD/m2, tăng 4% so với quý trước và 12% so với cùng kì năm trước. Giá trung bình của nhà liền kề là 4.664 USD/m2, giảm -3% so với quý trước và tăng 14% so với quý I/2020. Với nhà phố thương mại, giá trung bình khoảng 7.860 USD/m2, giảm -2% theo quý và tăng 26% theo năm.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: “Hà Đông hiện còn khá nhiều dư địa để phát triển các dự án bất động sản. Trong khi nhiều quận huyện khác tại Hà Nội cạn kiệt nguồn cung dự án mới, thị trường bất động sản tại quận Hà Đông lại khá nhộn nhịp. Khu vực này đã và đang thu hút nhiều chủ đầu tư lớn với các dự án trọng điểm, trong đó nhà đất được xem là lựa chọn hàng đầu bởi tính thanh khoản và khả năng tăng giá”.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao phụ trách Bộ phận tư vấn của Savills Hà Nội cũng cho rằng: “Trong các phân khúc thị trường bất động sản thì biệt thự, nhà liền kề tại các dự án là thị trường sôi động nhất, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người mua bất chấp sự ảnh hưởng của dịch bệnh”.

Theo bà Hằng, một số nguyên nhân chính giúp thúc đẩy thị trường này chính là triển vọng kinh tế làm cho thị trường sôi động; hạ tầng giao thông ngày càng phát triển đến các khu vực có dự án; kỳ vọng lợi nhuận thị trường biệt thự và nhà liền kề cao hơn thị trường chung cư.

Các dự án được triển khai ở phân khúc trung-cao cấp và cao cấp không chỉ giải tỏa cơn khát của thị trường mà còn tương xứng với hạ tầng, tiện ích khu vực. Có thể kể tên như: The Terra – An Hưng (KĐT An Hưng, La Khê) của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest, dự án Kiến Hưng Luxury của Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Kiến Hưng, Hoàng Thành Villas của Công ty CP Đầu tư & Phát triển Hạ tầng Hoàng Thành…

Cuộc “Bắc tiến” của nhiều “tên tuổi” phía Nam

Đáng chú ý, Hà Đông đã trở thành điểm đến của các “đại gia” phương Nam trong công cuộc “Bắc tiến”. Đầu tiên là sự xuất hiện của Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land).

Sức hút bất động sản Hà Đông: Cuộc đổ bộ của các ông lớn - Ảnh 2.

Dự án Him Lam Vạn Phúc tại Hà Đông.

Dự án Him Lam Vạn Phúc nằm tại ngã tư Vạn Phúc – Hà Đông, mặt trục đường Tố Hữu – Lê Văn Lương. Nằm trung tâm giữa quần thể các khu đô thị mới như: KĐT Dương Nội, KĐT Văn Khê, KĐT An Hưng, Park City, dự án có 222 căn Shophouse và liền kề, với 6 tầng nổi.

Đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư là một “siêu dự án” – Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai với tổng diện tích quy hoạch lên tới 226ha. Dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh tổng thể Qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 vào năm 2018 và phê duyệt nhiệm vụ Qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 vào năm 2020.

Theo nguồn tin riêng của Nhadautu.vn, chủ đầu tư – CTCP đầu tư phát triển Phong Phú đang được cơ cấu lại, với sự tham gia của một nhà đầu tư có tiềm lực đến từ TP.HCM, hứa hẹn sẽ sớm đưa dự án trở thành “cú huých” của thị trường bất động sản, không chỉ Hà Đông.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Các dự án lớn tại Hà Đông đều đang được xây dựng tại các vị trí vàng, ngay cạnh những trục đường chính đi vào trung tâm cũng như các tỉnh lân cận. Trước làn sóng quy hoạch hạ tầng giao thông sắp tới, chắc chắn Hà Đông sẽ còn đón những chủ đầu tư lớn khác, qua đó gia tăng tính cạnh tranh và sức hấp dẫn của thị trường này”.

cafef.vn

Tham gia thảo luận

Compare listings

So sánh
Verified by MonsterInsights