‘Soi’ tiến độ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam

  • 4 năm trước
  • 0

8/11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đã được triển khai, tuy nhiên đang nổi lên những khó khăn khiến dự án có thể bị trễ tiến độ.

'Soi' tiến độ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Nhiều dự án đối mặt nguy cơ chậm tiến độ

Báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT), Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến trung tuần tháng 4, trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020, hiện có 6 dự án đang triển khai thi công, 2 dự án chuẩn bị khởi công, còn lại 3 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang trong giai đoạn thương thảo hợp đồng.

Cụ thể, với dự án thành phần Cao Bồ – Mai Sơn khởi công từ tháng 12/2019, Cục QLXD&CLCTGT cho biết, mặt bằng dự án đã cơ bản hoàn thành, sản lượng hiện đạt khoảng 60%, đảm bảo hoàn thành trong năm 2021.

Đoạn Cam Lộ – La Sơn (khởi công tháng 9/2019), chính quyền địa phương đã bàn giao mặt bằng 97,8/98,3km (đạt 99,5%). Sản lượng dự án đạt khoảng 36,4%. Hiện nay, 9/11 gói thầu dự án Cam Lộ – La Sơn chậm tiến độ, chủ yếu do ảnh hưởng của mưa bão khu vực miền Trung năm 2020.

“Nếu đại diện chủ đầu tư không có giải pháp đặc biệt, nguy cơ không hoàn thành trong năm 2021. Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh lập kế hoạch triển khai thi công, có giải pháp tăng cường mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án”, đại diện Cục QLXD&CLCTGT thông tin.

Về dự án cầu Mỹ Thuận 2 (khởi công tháng 2/2020, dự kiến hoàn thành năm 2023) đã triển khai 4 gói thầu xây lắp, còn 1 gói thầu CW3B (trụ tháp, dầm dây văng) đang thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu. Hiện nay, 3 gói thầu của dự án thi công đạt yêu cầu, riêng gói XL3A mới đạt 6,9%, chậm khoảng 3 tháng.

“Ban QLDA 7 cần chỉ đạo nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt đối với gói thầu XL3A là đường găng tiến độ phải đảm bảo huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân công, vật tư, vật liệu, duy trì dây chuyền thi công đúng như phương án do nhà thầu đã lập, có phương án dự phòng để xử lý kịp thời khi có trục trặc thì mới hoàn thành theo tiến độ đã cam kết là ngày 31/12/2021”, Cục QLXD&CLCTGT cho biết.

Liên quan đến 3 dự án khởi công đồng loạt từ 30/9/2020 (Mai Sơn – QL45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây), toàn bộ các gói thầu xây lắp của 3 dự án đã triển khai thi công đào bóc hữu cơ, thi công nền đường, mố, trụ cầu, cống,… dự kiến 3 dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2022.

Đối với hai dự án mới chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công (QL45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu), Cục QLXD&CLCTGT cho biết, dự kiến các gói thầu đầu tiên của hai dự án sẽ khởi công trong tháng 6/2021, hoàn thành năm 2023.

Cuối cùng, 3 dự án thực hiện theo hình thức PPP (Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo), theo Cục QLXD&CLCTGT, các dự án này đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư và đang trong giai đoạn thương thảo hợp đồng, dự kiến khởi công xây dựng trong quý II/2021.

Gỡ khó nguồn nguyên vật liệu phục vụ dự án

Khó khăn lớn nhất với các dự án cao tốc Bắc Nam hiện được cho nằm ở nguồn cung vật liệu xây dựng công trình. Báo cáo chung về nguồn vật liệu của dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, nhu cầu sử dụng các loại vật liệu để phục vụ thi công cho toàn dự án cao tốc Bắc – Nam rất lớn, cụ thể khối lượng đất đắp khoảng 60,7 triệu m3, khối lượng đá các loại khoảng 21,5 triệu m3, cát các loại khoảng 10,8 triệu m3.

“Tuy nhiên, tại một số dự án, một số nhà thầu sau khi trúng thầu và triển khai thi công có phản ánh với chủ đầu tư, Ban quản lý dự án về việc một số mỏ vật liệu đã được tư vấn chỉ ra trong hồ sơ không đáp ứng được khối lượng cung cấp theo nhu cầu của dự án. Lý do các mỏ này đồng thời phải chia sẻ, cung cấp cho các dự án khác đang xây dựng tại địa phương dẫn đến các nhà thầu tranh mua tại mỏ có cự ly vận chuyển gần để giảm giá thành; đồng thời công suất sản xuất của mỏ không đáp ứng kịp so với tiến độ yêu cầu”, ông Lê Quyết Tiến chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, Bộ đã yêu cầu các nhà thầu làm việc với các chủ mỏ, đề nghị đầu tư nâng công suất khai thác với các mỏ có đủ điều kiện.

Thứ trưởng cũng đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có ý kiến với UBND tỉnh nơi có dự án đi qua chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan thực hiện tốt việc quản lý nhà nước về giá vật liệu xây dựng; có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.

Tại buổi làm việc gần đây nhất liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng đây là vấn đề nổi cộm cần giải quyết hiện nay, nếu không giải quyết sớm thì không thể đưa dự án khai thác vào năm 2022.

Đề nghị các địa phương trong thẩm quyền phối hợp với các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải tìm cách tháo gỡ,Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, các mỏ đất đã được cấp phép rồi thì ưu tiên nâng công suất mặc dù không nhiều. Do đó, mấu chốt của vấn đề là rà soát những mỏ nằm trong quy hoạch để bổ sung khai thác đáp ứng nhu cầu thi công trong thời gian tới. Tuy nhiên để làm được điều này thì cần tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, đường công vụ vào mỏ.

“Về kiến nghị của địa phương và Bộ Giao thông Vận tải cần cơ chế đặc thù trong cấp phép các mỏ vật liệu cho dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tiếp thu và sẽ có báo cáo để xem xét, tháo gỡ cho công trình trọng điểm quốc gia này về đích đúng tiến độ”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

cafef.vn

Tham gia thảo luận

Compare listings

So sánh
Verified by MonsterInsights