Mở bán rầm rộ từ cuối năm 2018, đến nay, khu dân cư Đại Nam quy mô hơn 96 ha, tọa lạc tại huyện Chơn Thành, Bình Phước của đại gia Dũng “lò vôi” lại đang rơi vào tình trạng “vườn không, nhà trống” khi không có người ở.
Tháng 6/2018, UBND tỉnh Bình Phước ban hành quyết định số 1094/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho dự án khu dân cư Đại Nam do Công ty CP Đại Nam (của đại gia Huỳnh Uy Dũng tức Dũng “lò vôi”) làm chủ đầu tư.
Nằm ngay mặt tiền QL13 đoạn qua thị trấn Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước, khu dân cư Đại Nam có tổng diện tích hơn 96 ha với 2.459 căn nhà phố và biệt thự, 4 trường mẫu giáo, 1 trường THPT, quy mô khoảng 12.000 dân.
Trong phần diện tích đất 481.897,79 m2 xây nhà phố và biệt thự thì đất nhà phố chiếm 231.989,24 m2, còn lại là đất ở biệt thự. Còn khu nhà ở xã hội rộng 96.517,1 m2.
Đất giáo dục có diện tích 2.265,8 m2, đất cây xanh trải là 25.653,36 m2. Đất hạ tầng kỹ thuật gồm trạm xử lý nước thải và trạm điện với diện tích khoảng 6.239 m2. Hệ thống giao thông khu dân cư được bố trí thành ô bàn cờ, được quy hoạch trên nền đất rộng 323.249,46 m2.
Trong tính toán của đại gia Dũng “lò vôi”, huyện Chơn Thành là một vị trí của tương lai, sẽ phát triển về công nghiệp và có quy mô lớn. Do đó, ông mới lựa chọn vị trí khu dân cư Đại Nam như ở trên và phát triển như một đô thị thu nhỏ, tạo sự dịch chuyển dân cư.
Thời điểm mở bán dự án vào cuối năm 2018, khu dân cư Đại Nam được kỳ vọng sẽ phát triển, thúc đẩy thị trường bất động sản huyện Chơn Thành nói riêng và của cả tỉnh Bình Phước nói chung bởi thị trường chưa có một dự án quy mô, đầu tư bài bản. Tuy nhiên trái ngược với quảng cáo về những tiện ích, quy mô cũng như tầm cỡ của dự án, hiện nay khu dân cư Đại Nam lại đang rơi vào tình trạng “vườn không, nhà trống” khi không có dân về ở.
Nói về câu chuyện làm khu dân cư, khu đô thị muốn thu hút người dân về ở cần nhiều yếu tố về hạ tầng giao thông, tiện ích, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, phát triển dự án tại TP.HCM cho biết, chủ đầu tư khi phát triển dự án khu đô thị, khu dân cư là phải thu hút được dân về ở. Nhưng hiện nay, có tình trạng những dự án làm xong mà người dân về ở vẫn rất thưa thớt thậm chí không một bóng người.
Có thể kế đến một vài nguyên nhân như hạ tầng giao thông kết nối với khu vực phụ cận chưa đáp được nhu cầu người dân. Thêm nữa một số đơn vị làm kết cấu tốt nhưng tiện ích thì kém. Lúc này giải bài toán người dân về ở hạ tầng đi theo hay phát triển hạ tầng để thu hút người dân là vấn đề khó.
“Nếu các dự án phát triển không đặt trong bài toán tổng thể, cùng chiều với nhu cầu của địa phương thì sự tham gia của người dân là rất thấp. Có tình trạng, nhiều nhà đầu tư ở các địa phương khác tham gia khá đông mà người dân nhu cầu ít”, vị chuyên gia này cho hay.
Thực tế tại khu dân cư Đại Nam cho thấy, hạ tầng phần cứng được thi công hoàn thiện rất tốt, tuy nhiên những tiện ích như trường học, bệnh viện, nhà ở xã hội… lại chưa thấy đâu. Một vấn đề nữa là tỷ lệ lấp đầy ở khu công nghiệp trên địa bàn huyện Chơn Thành đang còn thấp, nên lượng công nhân là chưa nhiều, kèm theo đó là giá bán chưa phù hợp với mức thu nhập của công nhân.
Một người dân sống gần khu dân cư Đại Nam chia sẻ: “Trước đây mở bán thì chỉ có người ở TP.HCM, Bình Dương về mua chứ xung quanh toàn công nhân, người dân nghèo thì mua sao được”.
Như kế hoạch của ông Dũng “lò vôi”, sau khi mở bán vào cuối năm 2018 thì khoảng đầu năm 2019 sẽ khởi công xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo, chợ… để phục vụ cư dân, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng khi dân cư chuyển về sinh sống.
Đồng thời, xây dựng Trung tâm khám chữa bệnh với diện tích 4.000 m2 trong dự án cho ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Nhưng do những “lùm xùm” trong thời gian gần đây nên ông Dũng đã tuyên bố không triển khai nữa.
Ngoài hạ tầng, một khu trung tâm thương mại bỏ hoang thì trong khu dân cư Đại Nam cũng không có bất kỳ tiện ích nào được triển khai, không có cư dân. Đây là một thực trạng thường xuyên xảy ra ở một số địa phương đang có quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, gần TP.HCM… mà không dựa trên những nhu cầu thực.