Phát triển chuỗi đô thị mới ven sông Cổ Cò

  • 4 năm trước
  • 0

Việc khơi thông sông Cổ Cò nối liền Đà Nẵng – Quảng Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của 2 địa phương. Trong đó, sẽ hình thành chuỗi “đô thị dòng chảy” phía nam Đà Nẵng và thị xã Điện Bàn cùng TP. Hội An.

Phát triển chuỗi đô thị mới ven sông Cổ Cò

Thời gian qua, nhiều dự án bất động sản theo kiểu đô thị mới, đô thị thông minh, đại đô thị ven sông Cổ Cò… được tỉnh Quảng Nam quy hoạch và duyệt quy hoạch. Nổi bật như Dự án Risemount X2 Hoi An Resort & Residence với tổng diện tích gần 17ha và 1,5km mặt sông. Dự án do Tập đoàn Vicoland làm chủ đầu tư. Đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành giai đoạn một và sẽ triển khai tiếp giai đoạn hai vào tháng 3/2021 với tổng vốn đầu tư dự kiến là 4.400 tỷ đồng.

Tương tự, Dự án Đất Quảng Riverside (One World Regency) do Công Ty Cổ phần Tập đoàn Đất Quảng làm chủ đầu tư. Dự án này thuộc khu đô thị Điện Ngọc – Điện Dương có tổng diện tích quy hoạch 22,4 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng. Đến nay, dự án này đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đã nghiệm thu và cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất.

Ngoài những dự án trên, nhiều dự án được quy hoạch hạ tầng dọc theo dòng sông Cổ Cò, nối TP. Đà Nẵng với Hội An cũng đã được khởi động như: Dự án Khu đô thị số 4 do Công ty Cổ phần Giao thông Vận tải Quảng Nam làm chủ đầu tư; Rosa Riverside Complex, Mallorca River City do An Dương Group là chủ đầu tư; Dự án Khu đô thị cao cấp Casamia Hội An do Công ty Cổ phần Đạt Phương làm chủ đầu tư…

Phát triển chuỗi đô thị mới ven sông Cổ Cò - Ảnh 1.
Việc khơi thông sông Cổ Cò nối liền Đà Nẵng – Quảng Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của 2 địa phương.

Hiện nay, việc quy hoạch 2 bên bờ sông Cổ Cò đang được tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng gấp rút thực hiện. Không gian kiến trúc cảnh quan khu vực này đặc biệt quan trọng, nhằm tạo dựng hình ảnh đặc trưng, hoàn thiện cơ sở khoa học và pháp lý trong việc quản lý quy hoạch chung đã được phê duyệt.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch 2 bên dòng sông Cổ Cò, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, qua dự án sông Cổ Cò có thể thấy bất cập trong tư duy hành chính, quy hoạch trước đây. Chúng ta không nghĩ quy hoạch sông Cổ Cò theo một thể thống nhất, không phân theo địa giới hành chính, lập quy hoạch tổng thể ngay từ đầu. Dẫn tới hơn 20 năm triển khai độc lập, chia nhỏ, cơ bản đã được lấp đầy.

Theo ông Thanh, về phía Đà Nẵng gần như đã thành hình, Quảng Nam thì cũng đã có 1 vài dự án triển khai. Đây là lỗi trong hoạch định liên kết vùng cần phải được khắc phục càng nhanh càng tốt. Quảng Nam – Đà Nẵng đã thống nhất thành lập ban điều phối quy hoạch sông Cổ Cò để sửa đổi những bất cập về không gian 2 bên sông, sau này đi vào khai tách trong tương lai để lại giá trị bền vững, là tài sản vô giá cho tương lai.

“Hai địa phương đang bàn làm sao để đồng bộ hoá lại quy hoạch theo kiến trúc cảnh quan chung. Về phía Quảng Nam đang rất cố gắng làm xong quy hoạch. Thời gian tới sẽ cần có sự điều chỉnh cục bộ các công trình mà tính điểm nhấn kiến trúc dọc sông Cổ Cò. Những điểm chưa đầu tư sẽ đầu tư từ nguồn lực của cả nhà nước và những doanh nghiệp tư nhân hưởng lợi từ dự án”, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay.

Ngoài ra, ông Lê Trí Thanh cho biết, sự manh mún trong quy hoạch tạo hệ luỵ lớn. Do đó trước hết phải có một quy hoạch tổng thể. Quan điểm của cơ quan quản lý là khuyến khích nhà đầu tư năng lực yếu không làm được thì chuyển nhượng cho nhà đầu tư có năng lực làm dự án, để đầu tư bài bản, ra tấm ra món, khai thác dịch vụ song song.

Ông Ngô Ngọc Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam, song song khơi thông, tỉnh đang lập thiết kế đô thị ven biển, ven sông Cổ Cò, quy mô 1.586 ha, dân số đến 2030 là 60.000 người. Ý tưởng thiết kế định hình tuyến ven sông là Chuỗi công viên văn hoá, lịch sử, sinh thái với 5 công viên chủ đề di sản làng nghề, thiên đường xanh, làng rau Trà Quế, công viên hoa, rừng dừa nước 7 mẫu.

Theo ông Hùng, cảnh quan khu vực nghiên cứu chủ yếu là không gian ven biển, không gian dọc theo sông Cổ Cò mang đậm yếu tố cảnh quan sinh thái, hấp dẫn về du lịch… nhằm tạo ra đặc thù của từng khu vực. Trong đó, tuyến ven biển, ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến TP. Hội An – tỉnh Quảng Nam, là trục không gian trọng tâm, là lá phổi của tỉnh Quảng Nam, xây dựng hình ảnh tương lai ‘‘mở ra dòng sông’’ và ‘‘tràn đầy sức sống’’.

Về phía Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định Dự án nạo vét khơi thông sông Cổ Cò là chủ trương được Đà Nẵng, Quảng Nam thống nhất rất cao, đã đề xuất với Chính phủ để triển khai dự án với nguồn vốn từ Trung ương và hai địa phương. Đoạn sông Cổ Cò qua địa phận Đà Nẵng đã được UBND TP xúc tiến, triển khai quyết liệt vào năm 2020. Nhưng do tình hình dịch COVID-19 nên một số nội dung bị chậm lại so với tiến độ.

“Việc khơi thông sông Cổ Cò nối liền Đà Nẵng – Quảng Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của 2 địa phương. Sắp tới đây cảnh quan 2 bên bờ sông Cổ Cò sẽ được thiết kế đẹp, cùng với đó là sự hình thành nên các khu đô thị, các dự án tạo nên sự đồng bộ”, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay.

cafef.vn

Tham gia thảo luận

Compare listings

So sánh
Verified by MonsterInsights