Người ta thường nói “lòng tham” với BĐS khiến nhiều nhà đầu “vỡ mộng” làm giàu. Với một số trường hợp quả không sai, nhất là những người mới chân ướt chân ráo đầu tư BĐS.
Cay đắng hơn, là lòng tham ấy lại bị dẫn dắt bởi những môi giới không có tâm với nghề kèm những sai lầm khi chọn mua BĐS.
Trường hợp mua BĐS bị “lố” giá so với giá thực, đợi chờ 2 đến 3 năm mới lên được mức giá ban đầu, thậm chí mãi không đến được mức giá mua vào… không phải chuyện “không thể” trên thị trường BĐS.
Dưới đây là trường hợp một nhà đầu tư mua BĐS 2 năm, giá bán vẫn chưa về mức giá ban đầu mua vào; chưa kể, đến khi bán thì “trầy trật”, rao bán mãi không ai hỏi mua.
Năm 2018, chị M (ngụ Tp.HCM) đem 1.1 tỉ đồng (có khoảng 50% là vay ngân hàng) mua nền đất 100m2 tại khu vực khá xa của một huyện vùng lân cận Tp.HCM. Nền đất này đã có sổ riêng nên chị M khá yên tâm xuống tiền. Chưa kể, thời điểm đó, đất đai khu vực này đang có dấu hiệu sốt nóng, việc mua ra bán vào lời hàng trăm triệu đồng trong khoảng thời gian ngắn diễn ra “như cơm bữa”.
Cùng với đó, chị M còn tin lời môi giới BĐS nói chắc “như đinh đóng cột”, rằng, mua vào chỉ 3 tháng là chị có thể lời tiền trăm triệu đồng ở lô đất này. Vì đang lúc thị trường tốt, theo dõi thông tin, thấy giá BĐS ở khu vực đó vẫn đà tăng trưởng chị M nghĩ bụng, lô đất của mình nếu cứ để đó khoảng 1-2 năm chắc phải lời gấp 3 lần so với giá mua vào. Hàng tháng chị M vẫn trả phần lãi gốc ngân hàng đi vay để mua miếng đất, tính nhẩm, nếu lời gấp 3 thì trừ lãi vay vẫn lời đậm.
Năm 2020 do cần tiền làm ăn kinh doanh, chị M nhờ môi giới bán mảnh đất đã mua. Chị hỏi giá bán được bao nhiêu, môi giới trả lời: Do dịch bệnh, thị trường lại hết nóng sốt, nếu chị muốn bán nhanh thì giá 800 triệu đồng/nền chị bán không?.
Sau khi nghe xong, chị M ngã ngửa. Hóa ra lâu nay chị cứ mừng thầm trong bụng là sau 2 năm, lô đất của chị ít ra cũng phải lên giá tiền tỉ, nhưng không ngờ phải giảm vài trăm triệu mới có người mua. Chị M cay đắng, “xối xả” vào môi giới, nhưng cũng chỉ nhận được những lời giải thích là “do thị trường”.
Ảnh: Minh hoạ
Không cam tâm, chị M tiếp tục đi gửi những môi giới khác bán đất tại khu vực đó để ra hàng. Thế nhưng, các câu trả lời chị M nhận được đều là nền đất của chị chỉ bán được giá khoảng 800-900 triệu đồng vào thời điểm đó.
Vừa hoang mang, vừa cay đắng, chị M đi tìm hiểu nguyên nhân vì sao nền đất chị mua lại không tăng giá mà còn giảm trong 2 năm qua. Hóa ra, thời điểm chị mua, do không tìm hiểu kỹ càng giá cả đất đai khu vực, vì quá tin lời môi giới mà chị “nhắm mắt” để mua với giá mà môi giới đưa ra, không check các thông tin từ nhiều phía.
Lúc đó, các nền đất cùng diện tích, cùng khu vực với đất của chị chỉ bán ra với giá khoảng 600-650 triệu đồng/nền, trong khi chị phải mua với giá 1.1 tỉ đồng. Đó là lý do, sau vài năm, giá tăng của thị trường cũng chưa lại được với mức giá chị mua vào.
“Lúc đó vì quá tin lời môi giới, lại mới đi đầu tư BĐS chưa có kinh nghiệm mà tôi nhận trái đắng. Đầu năm 2021 tôi rao giá 900 triệu đồng nhưng cũng chưa ai hỏi mua. Vừa phải gồng gánh lãi ngân hàng suốt 3 năm qua, vừa phải bán dưới giá vốn, tôi mệt mỏi vô cùng”, chị M chia sẻ.
Hay mới đây, một trường hợp nhà đầu tư tại Hà Nội, mua căn biệt thự suốt 10 năm trời, giờ bán lại vẫn phải cắt lỗ 2 tỷ đồng. Cũng với số tiền đó nếu gửi ngân hàng giờ đã thành 20 tỷ. Theo nhà đầu tư này, giờ có giữ BĐS nữa cũng không biết khi nào rút được vốn ra nên đành gửi bán để lấy tiền đầu tư chỗ khác.
Thực tế, không ít trường hợp nhà đầu tư rơi vào tình cảnh giống chị M. Mua BĐS lúc thị trường đang đỉnh sốt, không tìm hiểu kỹ càng, bị “dắt mũi” bởi những môi giới “cơ hội”, nhiều nhà đầu tư bị mua giá cao hơn nhiều so với giá thực tế, và hậu quả là phải chờ đợi khá lâu mới bán được giá mua vào.
Ngay thời điểm sốt đất sau Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều nhà đầu tư ôm đất Bình Phước hay một số khu vực như Thanh Hoá, Bắc Giang… chuyên gia dự báo có thể trong số đó nhiều người phải 10 năm hoặc 15 năm nữa mới bán được giá mua vào lúc đỉnh sốt.