Nhiều ý kiến cho rằng tăng nguồn cung căn hộ sẽ giúp kéo giảm giá nhà tại TP HCM, tuy nhiên số liệu thống kê thị trường căn hộ tháng 4 vừa qua đang thể hiện chiều hướng ngược lại.
Nguồn cung đã tăng
Theo báo cáo thị trường căn hộ TP.HCM và Bình Dương tháng 4/2021 của DKRA Việt Nam, trong tháng vừa qua thị trường chung cư đã đón nhận 3.620 căn mới, từ 12 dự án mở bán, trong đó có 2 dự án mới và 10 giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, nguồn cung trong tháng 4/2021 tăng gấp 2,8 lần so với tháng 3/2021 là 1.298 căn. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 81%, tương ứng 2.936 căn trên nguồn cung mới, gấp 2,9 lần lượng tiêu thụ tháng trước là 1.001 căn.
Thông tin thị trường căn hộ TP HCM (nguồn: DKRA).
Tính chung cả TP HCM và các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, nguồn cung mới tăng đáng kể so với tháng trước nhưng chỉ tập trung tại TP HCM và Bình Dương.
DKRA Việt Nam cũng cho biết TP HCM vẫn dẫn đầu nguồn cung mới trong tháng trên toàn thị trường với số lượng căn mở bán mới là 2.698 căn, gấp 2,6 lần so với tháng trước là 1.041 căn, chiếm 74,5% tổng nguồn cung trên thị trường. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ đạt khoảng 2.115 căn gấp 2,8 lần so với tháng trước là 755 căn.
Theo DKRA, hầu hết các căn hộ được tung ra trong tháng 4 đều tập trung ở TP. Thủ Đức và khu Nam, chiếm 92% tổng cung. Mặt bằng giá sơ cấp một số dự án bán ra trong tháng tăng đáng kể, mức tăng trung bình dao động khoảng 8% – 15% so với giai đoạn trước đó.
Những dự án đã bàn giao nhà, hình thành khu dân cư hiện hữu thu hút tốt sự quan tâm của thị trường, đặc biệt, các dự án có mức giá dưới 45 triệu đồng/m2, phương thức thanh toán kéo dài, hỗ trợ vay ngân hàng linh hoạt.
Vẫn không thể kìm giá nhà
Trước đó, theo báo cáo thị trường bất động sản 2020 của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản TP HCM gần như biến mất căn hộ giá bình dân. Giá nhà đang tăng quá nhanh và vượt quá tầm chi trả của người dân.
So với năm 2019, giá căn hộ bình quân từ 25-30 triệu đồng/m2 đã bị đẩy lên mức từ 30-35 triệu đồng/m2, thậm chí 37- 38 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 15%). Như vậy, ngay cả đi khỏi TP HCM những gia đình có thu nhập dưới 20 triệu đồng/người/ tháng cũng khó mua nhà với mức giá hiện tại.
Nguồn cung tăng vẫn khó kéo giảm giá nhà TP HCM.
Trước sự lệch pha cung cầu, Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành hàng loạt giải pháp để hạ nhiệt giá nhà. Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất 4 giải pháp nhằm kéo giảm giá nhà đó là: Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; trình Chính phủ ban hành nghị quyết về nhà ở giá rẻ; đẩy nhanh việc cải tạo chung cư cũ; sửa đổi các quy định để tháo gỡ vướng mắc thủ tục nhằm tăng nguồn cung nhà ở, góp phần bình ổn thị trường.
“Đây là 4 giải pháp căn bản để thúc đẩy, tăng nguồn cung về nhà ở trong thời gian tới, đồng thời cũng góp phần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm bất động sản trên thị trường” – đại diện Bộ Xây dựng cho biết.
Đồng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng cho nguồn cung thiếu cầu rất nhiều cần phải hệ thống lại nguồn cầu để đưa ra tính toán phù hợp cho việc tăng nguồn cung các phân khúc.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nhìn nhận con số tăng trưởng giá trong tháng vừa qua, thực tế là nguồn cung cải thiện vẫn không thể khiến giá nhà ngừng tăng cao.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho rằng, cơ cấu giá thành của căn nhà chịu tác động rất lớn từ các nhóm chi phí liên quan đến thủ tục hành chính, hành lang pháp lý. Chỉ đơn thuần phê duyệt thêm dự án, bổ sung nguồn cung mà các nhóm chi phí liên quan không được cải thiện thì cũng khó kéo giá nhà đi xuống.