Chuyên gia cho rằng, nguồn cung của thị trường bất động sản hiện nay đang khan hiếm nghiêm trọng xuất phát từ việc có nhiều doanh nghiệp mua gom và đầu cơ dự án khiến giá đất cao bất hợp lý.
Tại Hội thảo “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay” do Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Tạp chí Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia cho hay, hiện tại nguồn cung bất động sản khan hiếm rất nghiêm trọng và nhiều người cho rằng do luật lệ chồng chéo. “Tuy nhiên, theo tôi còn nguyên nhân khác là có rất nhiều doanh nghiệp có hiện tượng mua gom và đầu cơ dự án”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này thẳng thắn cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp lớn thu gom đất để phát triển dự án nhưng thực chất chỉ phát triển có lệ, không hoàn thiện dự án, trong khi các doanh nghiệp khác cần lại thiếu đất, thiếu dự án trầm trọng. Và những doanh nghiệp lớn đang đầu cơ này thường có ngân hàng đứng phía sau.
Trước thực trạng này đã dẫn đến hiện tượng lãng phí đất đai nghiêm trọng, làm đình trệ cả tài chính và thị trường rơi vào rủi ro. Cụ thể, nhiều tập đoàn lớn âm dòng tiền nhiều năm song họ lại không hề lo lắng vì mục đích của họ là đầu cơ dự án.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, theo ông Nghĩa là do thể chế, pháp lý không minh bạch, rõ ràng.
“Hậu quả để lại cho việc này là giá nhà tăng liên tục, tăng đến đau lòng. Có nhiều bạn trẻ dành dụm được 1,5 tỷ đồng, nghĩ rằng sẽ mua được căn hộ xa trung tâm nhưng giá thực tế đã tăng lên 2 – 2,5 tỷ đồng. Đây là thực tế không thể chấp nhận được. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Bộ Xây dựng nên chăng thành lập một bộ phận rà soát lại toàn bộ quỹ đất trong thành phố để thu hồi hoặc đánh thuế thật mạnh”, TS Nghĩa nhấn mạnh.
Về vấn đề tín dụng dành cho bất động sản, vị chuyên gia này cho rằng nên có sự đối xử phân biệt với các dự án bất động sản, để những doanh nghiệp nào có mục tiêu phát triển dự án tốt nhận được sự ưu đãi phát triển dễ dàng. Ngoài ra, cần tìm cách giải ngân vốn cho bất động sản hợp lý hơn.
Cũng chia sẻ về nguồn cung nhà ở, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, thị trường bất động sản năm qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhất là quý III/2021. Nguồn cung đã sụt giảm từ những năm trước, tiếp tục bị sụt giảm bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để.
Giao dịch trên thị trường thường xuyên đối mặt với tình trạng đứt gãy, gián đoạn. Đồng thời, thị trường cũng xuất hiện lực cầu F0. Trạng thái của thị trường thay đổi nhiều và mạnh, có giai đoạn sốt cao, có giai đoạn trầm lắng.
Mất cân đối cung – cầu rất nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Tp.HCM. Giá bất động sản nói chung đã leo thang và leo ở mức cao. Đặc biệt là thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM. Riêng, TP. HCM giá bất động sản hiện nay tăng gấp 2 lần và không có dấu hiệu giảm.
Đồng quan điểm với những ý kiến trên, TS. Vũ Tiến Lộc – Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, mọi con đường liên quan tới đất đai đều đi qua hệ thống pháp lý. Nói để thấy, pháp lý rất quan trọng trong việc phát triển lĩnh vực bất động sản. Vì vậy, điểm nghẽn lớn nhất trong bất động sản hiện nay cũng chính là vấn đề pháp lý.
Cần giải pháp để ngăn chặn đầu cơ, giá cả bất hợp lý.
“Ở thời điểm hiện nay, nguồn cung khan hiếm, đầu cơ tăng, giá cả bất hợp lý… vì vậy, rất cần các giải pháp để phát triển lành mạnh thị trường này. Đầu tiên, chúng ta cần đưa ra những khuyến nghị cụ thể để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Ngoài ra, công tác quản lý và điều tiết còn là lỗ hổng cần có cơ quan quản lý rõ ràng hơn”, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo vị TS, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì bất động sản chính là tài sản lớn nhất của họ nên khi nền tảng giá về bất động sản tăng quá cao, các chi phí liên quan cũng tăng theo nên Chính phủ phải có biện pháp điều tiết.
“Cuối cùng, trong bối cảnh thị trường biến động đặc biệt là hệ thống pháp luật kinh doanh bất động sản còn nhiều chồng chéo nên rủi ro và tranh chấp còn rất lớn. Vì vậy, Bộ Xây dựng cần có giải pháp hạn chế rủi ro và giải quyết tranh chấp”, ông Lộc nói.