Nhờ đẩy mạnh hoạt động bàn giao sản phẩm, chuyển nhượng cổ phần dự án, thanh lý tài sản cùng sự trỗi dậy bất động sản công nghiệp giúp một loạt doanh nghiệp bất động sản có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến trong quý 4/2020…
Thống kê gần 80 doanh nghiệp bất động sản đang giao dịch cổ phiếu trên 3 sàn cho thấy, mặc dù có mảng xám xuất hiện trong bức tranh lợi nhuận 9 tháng ở cả doanh nghiệp lớn lẫn doanh nghiệp nhỏ, nhưng bình quân các doanh nghiệp đã hoàn thành hơn 70% kế hoạch lợi nhuận sau thuế đã đề ra cho năm 2020.
QUÝ 4 THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN TĂNG THẲNG ĐỨNG
Thị trường bất động sản cả nước trong quý 4/2020 đã tăng thẳng đứng 1,33% so với đáy quý 2-3 là -0,35% nhờ sự phục hồi nhanh của phân khúc nhà ở và khu công nghiệp qua đó giúp ngành vẫn duy trì được tăng trưởng dương cả năm 2020, trong bối cảnh thế giới bất ổn và nền kinh tế Việt Nam chịu tổn thương của dịch Covid – 19. Ngành kinh doanh bất động sản đã đóng góp 3,53%GDP.
Tp. Hồ Chí Minh, thị trường bất động sản lớn nhất cả nước đang cho thấy bức tranh nhiều màu sáng khi vốn thực hiện đầu tư bất động sản trên địa bàn thành phố những tháng cuối năm 2020 có xu hướng tăng, nhờ sự góp mặt của một loạt dự án nhà ở như dự án căn hộ Sunshine City Sài Gòn (Phú Mỹ Hưng, Quận 7); dự án căn hộ Laimian City (Quận 2), dự án Kingcrown Infinity (Q. Thủ Đức)… Ngoài ra, doanh thu bất động sản cả năm đạt 235.561 tỷ đồng, giảm 9,4% so với năm 2019 – mức giảm đã được thu hẹp so với kết quả 9 tháng và 6 tháng đầu năm 2020 (6 tháng doanh thu giảm 12,3%).
Tại thị trường Hà Nội, doanh thu bất động sản cả năm chỉ giảm 0,9% so với năm 2019 được xem là kết quả rất tích cực, đồng thời phản ánh đã có sự tăng trưởng cao trong tháng 12 khi trước đó 11 tháng doanh thu giảm 3,3% so với 11 tháng 2019. Tại thị trường Bình Dương, doanh thu kinh doanh bất động sản 11 tháng đạt 45.517 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng nhanh hơn thời điểm 9 tháng đầu 2020 (9 tháng, doanh thu bất động sản đạt hơn 30.665 tỷ đồng, tăng 15,3%).
Nguồn: Số liệu GSO
Doanh thu lĩnh vực bất động sản trên địa bàn Bình Dương trong năm 2020 tăng mạnh bất chấp tác động gây nhiễu số liệu so sánh cùng kỳ năm 2019 của các khoản thu nhập đột biến từ chuyển nhượng bất động sản trong 11 tháng đầu năm 2019 của các Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương, Tổng công ty Becamex, Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên, Công ty Cổ phần Hưng Vượng.
DOANH NGHIỆP CÓ KHẢ NĂNG CÁN ĐÍCH LỢI NHUẬN
Theo FiinGroup, ngành bất động sản sẽ dẫn dắt sự hồi phục trong quý 4/2020 với mức tăng trưởng dự kiến là 22,4% do quý cuối năm thường là cao điểm bán hàng và bàn giao dự án. FiinGroup dự báo lợi nhuận nhóm doanh nghiệp bất động sản sẽ giảm trung bình 21,4% trong quý 4, vẫn cao hơn mức giảm lợi nhuận trong quý 3/2020.
Dù chỉ tiêu lợi nhuận có thể tăng trưởng âm cho quý 4 và cả năm 2020, nhưng so với mục tiêu đề ra, nhiều doanh nghiệp có khả năng cán đích lợi nhuận đã đề ra.
Tại thời điểm kết thúc quý 3/2020, có gần 20 doanh nghiệp đã hoàn thành hơn 70% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm sau 9 tháng. Trong đó, nhóm doanh nghiệp lớn có BCM (~130% kế hoạch năm); Novaland (~ 90% kế hoạch); VGC (~ 84% kế hoạch); VIC (~ 80% kế hoạch); Vinhomes (~80% kế hoạch). Nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn có SZC (vượt kế hoạch), SZB, TTC Land (~96%), IJC, UDJ, CCL, KHA, SDU, SID,…
Điều này đồng nghĩa, 2 nhóm doanh nghiệp nói trên có nhiều khả năng sẽ vượt đích lợi nhuận năm 2020. Ngoài ra, các ông lớn như Phát Đạt, Nam Long, Khang Điền đều được các tổ chức tài chính dự báo sẽ cán đích lợi nhuận cả năm.
Nam Long đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm là 822 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm Nam Long (mã NLG) đã hơn 217 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đạt hơn 26% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, lãnh đạo Nam Long từng cho biết, năm nay, Nam Long đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 987 tỷ đồng, bao gồm 725 tỷ đồng thu nhập tài chính. Số tiền 725 tỷ đồng đến từ việc chuyển nhượng vốn từ 2 dự án Đồng Nai Waterfront (170 ha, Đồng Nai) và Paragon Đại Phước (45 ha, Đồng Nai) và được ghi nhận trong quý 4/2020. Chứng khoán VnDirect cũng đưa ra dự báo lợi nhuận ròng của Nam Long năm 2020 sẽ đạt 1.421 tỷ đồng, tăng 47,7% so với năm 2019, nhờ bàn giao các dự án Waterpoint, Akari City, Mizuiki Park.
Trong khi đó, Phát Đạt, 9 tháng đầu năm đã hoàn thành 60% kế hoạch lợi nhuận sau thuế 1.200 tỷ đồng. Phát Đạt khá tự tin với kế hoạch lợi nhuận đã đề ra khi quý 4 Phát Đạt sẽ tiếp tục ghi nhận doanh thu còn lại tại Phân khu số 2 và phần tiếp theo của Phân khu số 9 của Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, Bình Định. Trước đó, Phát Đạt đã tăng chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận lũy kế giai đoạn 2019 – 2023 lên mức 14.270 tỷ đồng thay cho chỉ tiêu cũ là 11.850 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm Khang Điền đã hoàn thành hơn 70% kế hoạch lợi nhuận cả năm 1.100 tỷ đồng. Trước đó, trả lời cổ đông về kế hoạch lợi nhuận 1.100 tỷ đồng tại kỳ họp thường niên, lãnh đạo Khang Điền cho rằng, Khang Điền hoàn toàn tự tin sẽ đạt được kế hoạch đề ra, vì trên cơ sở ghi lợi nhuận từ những sản phẩm đã hoàn tất bán hàng. Cụ thể, ở thời điểm tháng 6/2020, dự án Safira đã bán được 1.593 căn (tỷ lệ 100%), dự kiến Safira được bàn giao cho khách hàng từ quý 2/2020 nên lợi nhuận sẽ ghi nhận vào quý 3 và quý 4/2020. Dự án Verosa Park, đã bán thêm được 100 căn, luỹ kế bán được 250 căn/296 căn tính đến tháng 6/2020.
Chứng khoán An Bình đánh giá, triển vọng thời gian tới của Khang Điền đến từ 2 dự án đang triển khai là Armena (quận 9) – khoảng 180 căn liền kề và biệt thự và Clarita (quận 2)- khoảng 160 căn liền kề và biệt thự. Cả 2 dự án này đều được mở bán trong quý 4/2020. Ngoài ra, tính tới quý 3/2020, khoản tiền người mua trả tiền trước của Khang Điền đạt 3.093 tỷ tăng 482 tỷ so với đầu năm.
Ngoài ra, DIG, doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn tại Vũng Tàu, Đồng Nai mới đây cho biết, tính đến ngày 23/12/2020, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ DIG đạt 620 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận kế hoạch. Năm 2020, DIG đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 650 tỷ đồng.
Ở thái cực khác, một số doanh nghiệp lớn của ngành buộc phải có lợi nhuận đột biến trong quý 4/2020 nếu muốn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra như Đất Xanh (mã DXG), Long Giang Land (LGL) hay Thuduc House. Được biết, 9 tháng đầu năm DXG lỗ ròng 388 tỷ đồng trong khi kế hoạch lợi nhuận cả năm là 1.034 tỷ đồng; Long Giang Land lỗ ròng hơn 69 tỷ đồng, kế hoạch lợi nhuận cả năm 50 tỷ đồng; Thuduc House (TDH) lỗ ròng 3,2 tỷ đồng, kế hoạch lợi nhuận cả năm 314 tỷ đồng.