Thời gian gần đây, đất đấu giá, đất thổ cư, đất vườn,… ở khắp các huyện ngoại thành của Hà Nội liên tục tăng giá, có nơi tăng gấp 2, gấp 3 lần nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo rằng hiện tượng này một phần là do các nhóm “cò” mồi liên kết với nhau để “kích sóng”, tạo sốt ảo thị trường để thu hút người mua.
Giá đất ngoại thành tăng “nóng”
Mới đây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì đã tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng các khu đất nhỏ lẻ xen kẹt tại 3 xã Liên Ninh, Đại Áng, Tả Thanh Oai với tổng diện tích là 4.486,5m2, chia thành 70 lô đất.
Điều đặc biệt là mặc dù tại thời điểm đấu giá , một số khu đất vẫn chưa hoàn thành việc san lấp, các hạng mục đang xây dựng nham nhở, đất đá ngổn ngang; nhưng kết thúc phiên đấu giá, các lô đất đều có khách hàng trả giá với giá trúng dao động từ 36 – 66 triệu đồng/m2. Trong khi nhiều người dân và môi giới cho biết giá đất thực tế ở các khu vực nói trên chỉ trong khoảng 23 – 33 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
Tương tự, trong phiên đấu giá 32 thửa đất tại lô S2- ĐG06/2019 thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, các thửa đất có giá khởi điểm 47,7 triệu/m2 đều được đấu lên mức 63,9 – 76,9 triệu/m2. Thậm chí, có khách hàng còn trả 99,3 triệu đồng/m2 để sở hữu lô gốc 134,3m2 (tương đương 13,3 tỷ đồng), gấp đôi giá khởi điểm; đồng thời trả 76,5 triệu đồng/m2 để trúng lô đất rộng 105m2 (tương đương gần 8,075 tỷ đồng). Bên cạnh đó, người này cũng trả giá 68,9 triệu đồng/m2 để có được thửa đất có giá khởi điểm 25,7 triệu đồng/m2.
Không chỉ đất đấu giá, đền nền ở các khu vực ven đô Hà Nội dịp cuối năm cũng có sự tăng “nóng”. Cụ thể như tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức), nhiều mảnh đất ven sông Hồng thời gian trước có giá khoảng 15 – 20 triệu đồng/m2 thì nay đã được rao bán ở mức 30 – 35 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
Đất lô gốc mặt đường Cao Lỗ, xã Uy Nỗ sát trung tâm văn hóa huyện Đông Anh có giá trung bình khoảng 400 triệu đồng/m2, ngang ngửa đất phố ở các quận trung tâm Hà Nội.
Ở một số xã như Nam Hồng, Tiên Dương (huyện Đông Anh ), đất phân lô trong khu dân cư trước đây dao động trong khoảng 30 – 40 triệu đồng/m2 thì đến nay đều ở mức 50 – 55 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
Các khu vực xa trung tâm hơn như huyện Mê Linh, giá đất thời gian này cũng có sự “sốt nóng”, ví dụ như các mảnh đất thổ cư có sổ đỏ gần dự án Cienco 5 trước đây được rao bán ở khoảng 12 – 25 triệu đồng/m2 thì nay đều tăng lên mức 22 – 45 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
|
Sau khi có thông tin quy hoạch vùng huyện Sóc Sơn thành thành phố, đất lâm nghiệp, đất vườn ở các xã Hiền Ninh, Minh Trí, Minh Phú liên tục được rao bán với giá tăng từ 1,5 – 2 lần. Cò đất ngày đêm đi dán tờ rơi bán đất trên khắp các con đường |
Tại huyện vùng núi Sóc Sơn , kể từ sau khi có thông tin UBND TP. Hà Nội dự kiến quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn thành thành phố, đất thổ cư có sổ đỏ ở các xã Minh Phú, Hiền Ninh, Minh Trí,… đều tăng giá gần gấp đôi. Cụ thể, trước đây giá đất ở tại các khu vực trên dao động từ 3 – 9 triệu đồng/m2 thì nay đều được rao ở mức 10 – 18 triệu đồng/m2. Đặc biệt, đất các khu vực gần hồ ở huyện Sóc Sơn trước đây có giá 1 – 5 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 3 – 9 triệu đồng/m2.
Rủi ro từ việc môi giới liên kết “kích sóng” giá đất
Trước thực trạng giá đất ven đô liên tục tăng “nóng” thời gian gần đây, nhiều môi giới cho rằng trong bối cảnh dịch COVID -19 kéo dài, nhiều lĩnh vực kinh doanh chưa thể phục hồi hoạt động trong khi các kênh như chứng khoán, vàng có sự trồi sụt thấy rõ thì nhà đầu tư sẽ đổ xô đi “săn” đất. Đồng thời đây là dịp cuối năm nên nhiều nhà đầu tư có tâm lý mua đất để chờ đón “sóng” trong năm mới như câu chuyện “sốt” đất cuối năm 2020, đầu năm 2021. Do đó mà việc giá đất bị đẩy lên cao như hiện nay là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia bất động sản (BĐS) cho rằng việc người dân đổ xô đi mua đất phần nào cho thấy tín hiệu tích cực của thị trường sau đợt giãn cách xã hội kéo dài trong Quý III/2021. Bởi theo báo cáo phân tích mới đây, Bộ Xây dựng cũng cho rằng việc dịch COVID-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản BĐS sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể tăng nhẹ. Bên cạnh đó, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng có xu hướng rót về BĐS.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định thị trường BĐS luôn có nhiều tiềm năng trong trung – dài hạn nhưng thời điểm này không dành cho đầu tư “lướt sóng”, theo kiểu “chộp giật”.
|
Các chuyên gia cho rằng việc giá đất tăng “dựng đứng” thời gian gần đây một phần xuất phát từ việc một số nhóm “cò” mồi liên kết với nhau để tạo “sốt” đất ảo, kích “sóng” thị trường để thu hút người mua. Do đó việc đầu tư vào đất nếu không tìm hiểu kĩ sẽ rất rủi ro, giống như đánh bạc mà tỉ lệ thua nhiều hơn thắng. |
Trao đổi với báo chí, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng thời điểm hiện tại không loại trừ khả năng có một số nhóm “cò”, môi giới đất dựa vào thông tin “quy hoạch hơi”, quy hoạch tin đồn để “thổi” giá đất ở một số khu vực. Thậm chí có nhóm còn liên kết để tung hứng nhau, tạo sự xôn xao và lan truyền thông tin về “sốt” đất để thu hút người mua. Và hình thức này xuất hiện ở nhiều nơi với nhiều cách thức khác nhau, thậm chí len lỏi cả vào các thôn, xóm.
Trước thực trạng thị trường náo loạn, lộn xộn và giá đất tăng dựng đứng ở các vùng ngoại thành Hà Nội hiện tại, GS. Đặng Hùng Võ cảnh báo người mua đất nên tránh xa. Bởi theo ông, việc xuống tiền lúc này rất rủi ro, giống như đánh bạc mà khả năng thua nhiều hơn thắng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Văn Sinh nhận định hoạt động về giao dịch BĐS giai đoạn này đang lộn xộn, chưa được kiểm soát tốt. Trong đó các sàn giao dịch BĐS còn có nhiều bất cập như chưa hình thành hệ thống giao dịch có sự kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
“Còn có hiện tượng một số sàn giao dịch BĐS câu kết với nhau để “ôm hàng”, rồi đợi thời cơ để “thổi giá”, “tạo sóng” nhằm gây “sốt ảo” với mục đích ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường BĐS. Trong khi đó, môi giới BĐS nước ta vẫn còn kém hiểu biết về pháp luật cũng như chuyên môn, nhiều môi giới tự do chưa có chứng chỉ hành nghề, chưa có sự chuyên nghiệp và đạo đức nghề nên dễ gây nên tình trạng làm ăn chộp giật, thiếu trách nhiệm khiến nhiều khách hàng chịu thiệt hại nặng nề”, ông Nguyễn Văn Sinh nói.