Đã hơn 2 tháng kể từ thời điểm làn sóng Covid-19 xuất hiện trở lại, thị trường bất động sản tại một số địa phương gần như chững lại. Tâm lý e ngại và thăm dò của nhiều nhà đầu tư cũng khiến họ trở nên thận trọng xuống tiền đầu tư.
Tuy nhiên, các chuyên gia đặt ra lo ngại rằng, nếu tình hình dịch bệnh chưa chấm dứt, nguy cơ về một kịch bản xấu có thể xảy ra với thị trường bất động sản.
Theo phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu, thị trường bất động sản đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Đáng lo ngại nhất là “sức khoẻ” chung của nền kinh tế đang bị ảnh hưởng khi các chuỗi cung ứng sản xuất đứt gãy, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Vị chuyên gia này phân tích, khi dịch bệnh kéo dài, điều đáng lo ngại nhất chính là sức đề kháng của các doanh nghiệp bất động sản. Ông Hiếu thẳng thắn cho rằng: “Doanh nghiệp bất động sản ít có dự phòng cho các trường hợp rủi ro. Trong khi đó, dịch bệnh đã ảnh hưởng từ đầu năm 2020. Điều này sẽ làm nguồn lực của doanh nghiệp bị tổn hại. Nguy cơ nhiều doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực yếu phá sản là điều có thể xảy ra nếu dịch cứ kéo dài”.
Đánh giá chung về thị trường bất động sản, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra rằng, hiện tại, giá bất động sản đang ở ngưỡng cao. Đáng lẽ lúc này, giá bất động sản phải xuống thấp để đáp ứng nhu cầu ở thực của nhiều người dân trong xã hội. Thị trường bất động sản đang không đồng hành cùng với sức khỏe của nền kinh tế. Diễn biến của thị trường bất động sản đang tạo ra sự vênh đối với nền kinh tế.
“Nếu giá nhà cứ tăng, không phục vụ cho đại bộ phận người dân mà tập trung vào các nhà đầu tư, rủi ro có thể tiếp tục xảy ra vì thị trường chỉ có đầu cơ vào đất. Dòng tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản chủ yếu phục vụ cho thị trường thứ cấp, cho các nhóm nhà đầu cơ. Đó là tín hiệu cảnh báo cho sự bất ổn của thị trường” – TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Đồng quan điểm đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, dịch bệnh kéo dài sẽ làm suy giảm sức khỏe của doanh nghiệp bất động sản. Trước đó, cơn sốt đất để lại nhiều hệ lụy với mức giá mới được thiết lập trên thị trường. Các nhà đầu tư sẽ có xu hướng thăm dò, đợi thị trường điều tiết trở về trạng thái cân bằng. Đó cũng sẽ là khoảng trầm của thị trường.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Hương Nguyễn, Tổng giám đốc Đại Phúc Land lo ngại về kịch bản nếu dịch bệnh tiếp diễn kéo dài khiến doanh nghiệp bất động sản suy giảm sức đề kháng. Theo bà, đây là lần thứ 4 thị trường nhận thêm cú bồi từ Covid-19.
Những lần trước đó đã khiến doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng nhìn chung dịch bệnh đều được kiểm soát cơ bản, nhanh chóng. Trong khi đó, làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 có mức độ nguy hiểm và kéo dài hơn. Nếu doanh nghiệp không dự trù kịch bản khác nhau, sẽ khó “trụ” lại trước cơn bão Covid-19.
Dù đưa ra dự báo đầy cẩn trọng về thị trường bất động sản trong giai đoạn tới, các chuyên gia vẫn kỳ vọng vào chương trình tiêm vaccine sẽ sớm tạo ra hiệu quả tích cực. Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, mọi hoạt động sản xuất quay trở lại quỹ đạo thông thường, thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi và sôi động trở lại.