TTO – Không gian ngầm khu vực trung tâm TP.HCM có quảng trường, bãi đậu xe ngầm, hoạt động thương mại, kết nối Nhà hát TP với công viên dọc bờ sông Sài Gòn.
Theo dự thảo quy chế quản lý kiến trúc, không gian ngầm của khu vực Bến Bạch Đằng, đường Tôn Đức Thắng và công trường Mê Linh sẽ kết nối với nhau – Ảnh: TỰ TRUNG
Dự thảo quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM đang được Sở Quy hoạch và kiến trúc TP.HCM lấy ý kiến của các sở ngành có phần nội dung chính quy định những vấn đề chung, và 19 phụ lục về quy chế kiến trúc của các khu vực và những vấn đề cụ thể.
Phụ lục về khu trung tâm 930ha của TP.HCM đề cập đến không gian ngầm trong khu trung tâm TP. Đó là không gian ngầm dưới các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng, công viên Bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh.
Cụ thể, dự thảo giới thiệu không gian bên dưới đường Nguyễn Huệ sẽ có tầng hầm đầu tiên dành cho thương mại dịch vụ, và hai hoặc ba tầng hầm tiếp theo sẽ là các tầng giữ xe.
Tầng hầm thứ nhất tạo hành lang cho người đi bộ, kết nối giữa Nhà hát TP và công viên dọc sông Sài Gòn. Ở tầng hầm này còn có các điểm nút, có quảng trường và các cửa hàng bán lẻ tại các giao lộ để người tham quan khỏi bị mất phương hướng.
Các thang cuốn, thang máy được bố trí gần trạm xe buýt.
Không gian ngầm dưới đường Nguyễn Huệ có một tầng thương mại và từ hai đến ba tầng làm bãi giữ xe – Ảnh: TỰ TRUNG
Ở khu vực công viên Bến Bạch Đằng có bãi đậu xe công cộng ngầm đường Tôn Đức Thắng, nằm cách công trường Mê Linh khoảng 100m về phía nam đường Ngô Văn Năm, dọc theo đường phụ Tôn Đức Thắng. Bãi đậu xe có sức chứa 300 xe hơi ở hai tầng hầm, khi cần thiết sẽ được trưng dụng làm bãi đậu xe hai bánh.
Đường ngầm Tôn Đức Thắng dự kiến có hai làn xe mỗi hướng.
Ở khu vực công trường Mê Linh, tầng ngầm sẽ được xây dựng thành một vườn trũng ở giữa, xung quanh sẽ là các quán cà phê, cửa hàng, nhà hàng. Vườn trũng này sẽ kết nối bãi đậu xe ngầm đường Tôn Đức Thắng và cũng sẽ là nơi kết nối các công trình ngầm của các tòa nhà xung quanh trong tương lai.
Ngoài ra, dự thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP.HCM còn thể hiện tuyến phố đi bộ thứ 2 của TP là đường Đồng Khởi, kéo dài từ Công xã Pari đến đường Tôn Đức Thắng.
Khu vực phát triển đô thị dọc tuyến metro số 1 được chia thành 10 phân khu với những đặc điểm thiết kế và chức năng đặc trưng riêng…
Ngoài ra, dự thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị cũng có những nội dung thiết kế riêng cho từng khu vực đặc trưng của TP như khu đô thị Tây Bắc, khu đô thị Nam Sài Gòn, Thanh Đa, thiết kế đối với nhà ở riêng lẻ…