Hệ số K đất nông nghiệp chưa sát thực tế ?

  • 3 năm trước
  • 0

Sở TN-MT TP đã có văn bản đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện xác định lại hệ số K cho từng khu vực đối với đất nông nghiệp.

Hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp vẫn chưa phù hợp 	

 /// ảnh: ngọc dương
Hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp vẫn chưa phù hợp

– ảnh: ngọc dương

Chưa đầy 20 ngày sau khi quyết định quy định về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) trên địa bàn TP.HCM năm 2021 có hiệu lực thi hành, Sở TN-MT TP đã có văn bản đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện xác định lại hệ số K cho từng khu vực đối với đất nông nghiệp.

“Đánh đồng” các huyện là chưa phù hợp

Theo Sở TN-MT, quyết định điều chỉnh hệ số K mà UBND TP ban hành ngày 4.5 chia đất nông nghiệp thành 3 vị trí. Vị trí 1: tiếp giáp với lề đường (đường có tên trong bảng giá đất ở) trong phạm vi 200 m; Vị trí 2: không tiếp giáp với lề đường (đường có tên trong bảng giá đất) trong phạm vi 400 m; Vị trí 3: các vị trí còn lại.
 Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định: “Hà Nội và TP.HCM được coi là khu vực đô thị đặc biệt, cho phép mức tăng giá đất tối đa không quá 30%. Năm vừa rồi, năm đầu tiên của giai đoạn 5 năm (2020 -2024), TP.HCM lại quyết định không tăng 30% theo quyền hạn mình có được. Đó là sai lầm, dẫn đến giá đất của TP hiện tại thấp hơn giá đất giai đoạn 5 năm trước (2015 – 2019). Thế nên mới có việc hệ số K thay đổi rồi vẫn không phù hợp, phải lấy ý kiến điều chỉnh tiếp”.

Có 4 khu vực được chia: Khu vực 1 gồm: quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp và Bình Thạnh; Khu vực 2 gồm: quận 7, 12, Bình Tân và TP.Thủ Đức; Khu vực 3 gồm: huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè và Hóc Môn và khu vực 4 là huyện Cần Giờ. Tùy theo vị trí và khu vực, hệ số K đối với đất nông nghiệp từ 10 – 35.

Sở TN-MT TP.HCM đã đề nghị các địa phương trong quá trình thực hiện, tùy điều kiện cụ thể của dự án mà rà soát, cân đối với các dự án tương đồng đã được UBND TP.HCM phê duyệt trong khoảng thời gian không quá 1 năm để điều chỉnh hệ số cho phù hợp với giá chuyển nhượng khi lấy ý kiến người dân đưa vào phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Bên cạnh đó, các địa phương trực thuộc cần rà soát, thống kê hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp của các dự án trên địa bàn được UBND TP.HCM phê duyệt từ tháng 1.2020 – 5.2021. Từ đó đề xuất hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp cụ thể cho phù hợp với địa bàn từng quận, huyện và báo cáo Sở trước ngày 15.6 để tổng hợp, tham mưu cho UBND TP.HCM.
Trao đổi với Thanh Niên , cán bộ địa chính của một huyện cho biết hệ số K đất nông nghiệp tại nhiều địa phương được áp theo Quyết định 10 là chưa phù hợp. Đơn cử, khu vực 3, hệ số điều chỉnh áp cho các huyện Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn là như nhau, từ 15 – 20, trong khi hiện tại, giá đất ở H.Nhà Bè khu vực giáp Q.7 cao hơn cả đất một số địa phương khu vực 2 như Q.Bình Tân, Q.12, có nơi lên tới 85.000 – 90.000 đồng/m2, tăng 25% so với năm ngoái. Tương tự, ở H.Bình Chánh, khu vực xã Bình Hưng giáp Q.Bình Tân nay đất tăng cao hơn so với trước Tết âm lịch 20 – 25 triệu đồng/m2, từ 60 – 65 triệu đồng/m2 nay lên 90 triệu đồng/m2. Trong khi đó, cũng là H.Bình Chánh, khu vực xã Vĩnh Lộc B giáp ranh với Long An giá hơn 30 triệu đồng/m2. Do đó, việc “đánh đồng” hệ số K các huyện này như vậy là không hợp lý.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đánh giá hiện giá đất quy định trong bảng giá đất vẫn thấp hơn giá đất thị trường từ 30 – 50%. Không chỉ ở các tuyến đường ở trung tâm TP, mà đất nông nghiệp ở các khu vực khác cũng có giá giao dịch cách rất xa giá theo quy định của nhà nước, kể cả sau khi đã áp hệ số K. Thời gian qua, mặc dù TP mới ban hành hệ số điều chỉnh giá đất riêng cho từng khu vực nhằm giải quyết thỏa đáng tương đối cho người dân nhưng giá đất tăng vọt, khoảng cách giữa giá đất theo nhà nước quy định và giá theo thị trường ngày càng cách xa khiến việc áp giá bồi thường theo hệ số điều chỉnh giá đất đối với các dự án công hiện nay rất bất hợp lý.

Mở đường chuyển đổi đất nông nghiệp

Không chỉ TP.HCM, một số địa phương như Tây Ninh, Đà Nẵng thời gian qua liên tục phải có những điều chỉnh, bổ sung liên quan đến bảng giá đất cũng như hệ số điều chỉnh giá đất.
Th.S Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định việc liên tục phải có những điều chỉnh về bảng giá đất là do đất nông nghiệp gắn liền với quy hoạch chung do HĐND các địa phương phê duyệt, khi không chuyển đổi được sẽ gây thất thu rất lớn trong quá trình tính thuế mua bán, chuyển nhượng.
Tại TP.HCM, quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh tại một số quận, huyện. TP đã quy định rõ khu vực trung tâm nên xu hướng phát triển ra các vùng ven là điều không thể tránh khỏi. UBND các địa phương đều muốn điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất theo hướng không thâm dụng đất, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất để phục vụ phát triển nhiều mục tiêu khác, không còn là nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu chuyển đổi thì với hệ số K hiện nay sẽ tương đối thất thu. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp chủ đầu tư “kẹt” dự án liên quan đến đất nông nghiệp hoặc chuyển đổi đất chưa xong nên TP cần tìm cách xử lý, gỡ vướng thông qua việc điều chỉnh lại bảng giá đất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch chuyển biến đất đô thị, sử dụng bất động sản cho mục đích khác.
“Việc điều chỉnh lại hệ số K đối với đất nông nghiệp cần đi theo hướng mở, nhất quán và áp sát quy hoạch về mặt chiến lược tài nguyên của địa phương. Vấn đề không phải tính chuyện TP.HCM có cần giữ đất nông nghiệp hay không mà phải dựa vào quy hoạch phát triển thực tế của từng quận, huyện. Điều chỉnh bảng giá đất sẽ là cơ hội tháo gỡ cho quỹ đất phi nông nghiệp, đồng thời mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án theo mô hình hỗn hợp kiểu khu đô thị kết hợp nông nghiệp hoặc nông nghiệp kết hợp công nghệ cao… Với cách tính hệ số K, xác định bảng giá như hiện nay đối với đất nông nghiệp thì vẫn chưa có đủ điều kiện pháp lý về đất đai cho những dự án mô hình như thế này”, Th.S Huỳnh Phước Nghĩa nêu quan điểm.

thanhnien.vn

Tham gia thảo luận

Compare listings

So sánh
Verified by MonsterInsights