TTO – Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó hàng loạt khu “đất vàng” đã được chính quyền bán không qua đấu giá; cho thuê, giao lại sai quy định.
Khu ‘đất vàng’ ở số 73 Nguyễn Huệ (TP Huế), dù Công ty Việt Thành (chủ đầu tư) chưa nộp đủ tiền đấu giá đất nhưng tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn cho làm thủ tục tách thửa đất cho công ty này sai quy định – Ảnh: NHẬT LINH
Tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết hiện nay đã họp và thành lập các tiểu ban để xử lý, khắc phục những khuyết điểm theo kết luận thanh tra.
Chưa nộp tiền đấu giá đất nhưng vẫn cho tách thửa
Sáng 15-4, tại buổi họp báo thường kỳ quý 1 năm 2021, bà Trần Thị Hoài Trâm, chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết tỉnh đã thành lập các tiểu ban để khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại được Thanh tra Chính phủ nêu ra tại Kết luận số 355 KL-TTCP về thực hiện quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh được ký ngày 3-4-2021.
Theo kết luận thanh tra, từ ngày 1-1-2014 đến ngày 31-12-2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện giao đất, cho thuê đất 227 dự án (chủ yếu trong nhiệm kỳ do ông Nguyễn Văn Cao giữ chức chủ tịch UBND tỉnh).
Đại diện Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế nói về những thông tin báo chí hỏi về Kết luận 355 về quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh của Thanh tra Chính phủ – Video: NHẬT LINH
Vào năm 2010, UBND Thừa Thiên Huế có quyết định phê duyệt kết quả bán đấu giá tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất khu ‘đất vàng’ có diện tích 1.543,2m2 tại số 73 Nguyễn Huệ (TP Huế) cho Công ty CP tư vấn thiết kế xây dựng và thương mại Việt Thành (Công ty Việt Thành). Tổng số tiền trúng thầu là hơn 35,7 tỉ đồng.
Theo phương án bán đấu giá, việc giao đất trên hiện trường và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện khi Công ty Việt Thành nộp đủ tiền sử dụng đất vào ngân sách trước ngày 30-7-2010, nếu không sẽ bị hủy kết quả đấu giá và tiền cọc sẽ sung quỹ nhà nước.
Tuy nhiên, đến thời hạn trên Công ty Việt Thành mới nộp được 21 tỉ đồng nhưng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một phần của khu đất là chưa đúng quy định.
Dù chưa nộp tiền sử dụng đất nhưng Công ty Việt Thành vẫn tiến hành xây dựng trái phép trên khu đất 73 Nguyễn Huệ (TP Huế) rồi sau đó bỏ hoang nhiều năm – Ảnh: NHẬT LINH
Đến 2012, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có văn bản yêu cầu Công ty Việt Thành phải hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trúng đấu giá và được UBND tỉnh chấp thuận về phương án đầu tư xây dựng tại khu đất trên thì mới giải quyết thủ tục tách khu đất 73 Nguyễn Huệ thành hai thửa đất riêng biệt.
Tuy nhiên, sau đó công ty trên chưa nộp tiền đất nhưng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn cho phép tách thửa tương đương số tiền 21 tỉ đồng đã nộp với diện tích 797m2.
Sau đó, Công ty Việt Thành đã xây dựng dự án trên khu đất 73 Nguyễn Huệ (TP Huế) khi chưa được cấp phép xây dựng, chưa được cấp có thẩm quyền bàn giao đất tại thực địa.
Tuy nhiên Sở Tài chính, Hội đồng thẩm định giá vẫn tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định hoàn trả số tiền Công ty Việt Thành đầu tư vào đất hơn 969 triệu đồng là không đúng chỉ đạo của UBND tỉnh.
Bán đất không qua đấu giá, có dấu hiệu dàn xếp
Thanh tra Chính phủ còn chỉ rõ việc tổ chức phân lô bán đấu giá 8 lô đất tại xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) cho cá nhân ông Lê Ngọc Thiện (giám đốc Công ty TNHH Thanh Danh Ngọc Thiện) là chưa minh bạch, có dấu hiệu cố ý dàn xếp cho người trúng đấu giá đất. Hiện 8 lô đất trên đã được ông Thiện xây dựng resort Hoàng Mai.
Khu vực 8 lô đất ở xã Thủy Bằng được UBND thị xã Hương Thủy bán thông qua đấu giá cho ông Lê Ngọc Thiện có dấu hiệu dàn xếp, thiếu minh bạch – Ảnh: NHẬT LINH
Quá trình thanh tra cho thấy việc tổ chức đấu giá 8 lô đất trên vào năm 2010 được thể hiện bằng 1 biên bản đấu giá cho cả 8 lô là không đúng quy định. Hội đồng đấu giá không thông báo tổ chức đấu giá đã vi phạm khoản 1 Điều 8 Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Phòng tài nguyên và môi trường thuộc UBND thị xã Hương Thủy theo ủy quyền được phân cấp đã không bàn giao đất trên thực địa cho người trúng đấu giá là vi phạm pháp luật.
Đoàn thanh tra cũng phát hiện ông Lê Ngọc Thiện có các vi phạm trong quá trình xây dựng resort Hoàng Mai như sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm, xây dựng trái phép… nhưng chưa được xử lý kiên quyết.
Điều này thể hiện sự buông lỏng quản lý trật tự xây dựng, thiếu kiểm tra, giám sát của UBND thị xã Hương Thủy.
Trách nhiệm để xảy ra các vấn đề trên thuộc chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, nguyên trưởng phòng tài chính – kế hoạch Nguyễn Đắc Tập (ông Tập hiện đang đương chức phó chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy), trưởng Phòng tài nguyên và môi trường, trưởng Phòng quản lý đô thị…
Còn tại TP Huế, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm khi chính quyền đã bán chỉ định không qua đấu giá tại 3 lô đất xen ghép gồm thửa đất số 140 tờ bản đồ số 12 có diện tích 167,2m2 ở mặt tiền đường Nguyễn Huệ (phường Phú Nhuận); thửa đất số 436 thuộc tờ bản đồ số 23 có diện tích 137m2 (phường Phú Hội) và khu đất có diện tích 204,1m2 tại phường Thủy Xuân.
Kết quả thanh tra cho thấy việc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế thực hiện ký hợp đồng chuyển nhượng lô đất xen ghép không qua đấu giá đã vi phạm Luật đất đai 2013. Việc xác định giá đất để giao, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái với quy định.
Việc UBND TP Huế bán chỉ định không qua đấu giá với lô đất ký hiệu số A7 (phường An Đông, TP Huế) cho ông Huỳnh Cư (cựu bí thư Thành ủy TP Huế) thể hiện sự tùy tiện, gây thất thu ngân sách – Ảnh: NHẬT LINH
Đặc biệt là trường hợp UBND TP Huế bán chỉ định không qua đấu giá lô đất A7 rộng 195,2m2 thuộc tổ 13, khu vực 5 phường An Đông cho ông Huỳnh Cư (cựu bí thư Thành ủy TP Huế) là vi phạm Luật đất đai 2013, thể hiện sự tùy tiện và gây thất thu ngân sách hơn 1,1 tỉ đồng.
Ngoài ra, UBND TP Huế còn bán đấu giá 5 cơ sở nhà đất ở số 1 Phạm Thị Liên; số 27 Ấu Triệu có diện tích hơn 1.131,7m2; số 101 Phan Đình Phùng có diện tích 2.361,4m2; số 138 đường Chi Lăng có diện tích 270,2m2 và nhà đất số 1 đường Chi Lăng có diện tích 52,8m2.
Qua thanh tra, cơ quan chức năng đã căn cứ vào giá đất năm 2013 của UBND tỉnh để đấu giá quyền sử dụng đất mà không xác định giá đất cụ thể làm căn cứ xác định giá khởi điểm để đấu giá là vi phạm pháp luật.
Kiến nghị truy thu tiền và cưỡng chế thu hồi đất
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp đối với chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các phó chủ tịch UBND phụ trách.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế được yêu cầu giao các cơ quan chức năng xử lý số tiền vi phạm phát hiện qua thanh tra với tổng số tiền hơn 401 tỉ đồng và 1.219 USD. Đồng thời chỉ đạo kiểm tra, rà soát, xác định lại giá thu tiền sử dụng đất cho sát với giá thị trường đối với các thửa đất được giao không qua đấu giá tại TP Huế, tránh thất thu ngân sách.
Trường hợp không thu hồi được tiền chênh lệch thì phải thu hồi đất tổ chức đấu giá theo quy định.
Chờ công bố kết luận thanh tra… trên mạng
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc những cán bộ đã nghỉ hưu liên quan đến sai phạm trong kết luận 355 của Thanh tra Chính phủ sẽ bị xử lý như thế nào, cụ thể là trường hợp của ông Nguyễn Văn Cao (cựu chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế), đại diện Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết chưa thể trả lời câu hỏi này.
Ông Lương Bảo Toàn, chánh Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế, nói rằng hiện nay dù tỉnh đã triển khai khắc phục kết luận thanh tra nhưng bản kết luận này vẫn chưa được công bố trên… trang web của Thanh tra Chính phủ.
“Tôi vừa liên hệ với Thanh tra Chính phủ và được trả lời rằng vào tháng 5 sắp tới sẽ vào Huế để chính thức công bố kết luận thanh tra này. Sau khi có kết quả khắc phục kết luận thanh tra sẽ cung cấp cho báo chí”, ông Toàn nói.