Năm 2019, bất động sản Thanh Hóa bất ngờ trở thành thị trường phát triển sôi động nhất cả nước. Sau một năm trầm lắng, mới đây thông tin Foxconn, Aeon Mall…và hàng loạt ông lớn trong nước sẽ đổ bộ vào vùng đất này khiến giới đầu tư lại sôi sục.
Giữa tháng 1/2021, Tập đoàn Foxconn Việt Nam do Tổng Giám đốc Zhuo Xiam Hong làm trưởng đoàn đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất thiết bị điện tử tại tỉnh Thanh Hóa. Tập đoàn khảo sát địa điểm đầu tư có diện tích từ 100 đến 150 ha, tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh số xuất khẩu 10 tỷ USD/năm.
Ông Đỗ Minh Tuấn – chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa – đã tiết lộ Foxconn đã “chấm” ba địa điểm để đặt nhà máy tỉ đô sản xuất linh kiện, thiết bị cho ông lớn công nghệ Apple tại Thanh Hóa là Khu kinh tế Nghi Sơn, KCN phía Tây TP Thanh Hóa, hoặc KCN tại huyện Thiệu Hóa.
Trước đó, tháng 12/2020, UBND tỉnh Thanh Hoá và Công Ty TNHH eon Việt Nam cũng vừa ký kết Bản ghi nhớ về việc thực hiện đầu tư Dự án trung tâm thương mại Aeon Mall tại tỉnh Thanh Hóa, dự án có tổng vốn đầu tư 190 triệu USD với tiêu chuẩn Nhật Bản, hứa hẹn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và điều kiện sống cho người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài Foxconn và Aeon Mall, Công ty WHA Industrial Development PLC (Thái Lan) cũng đã quyết định nghiên cứu đầu tư 2 dự án xây dựng hạ tầng phân khu công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa với tổng mức đầu tư hoảng 335 triệu USD.
Dự án thứ nhất là dầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp số 21 quy mô 539ha, thuộc khu kinh tế Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn; dự án thứ hai là đầu tư xây dựng hạ tầng phân khu công nghiệp của khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Phú Quý, quy mô dự kiến 800ha tại huyện Hoằng Hóa. Dự kiến tổng mức đầu tư cả 2 dự án khoảng 335 triệu USD.
Ngoài ra, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần đầu tư và quản lý tài sản Á Châu, các đối tác về dự án đầu tư Trung tâm Logistics Bắc Trung bộ và xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp số 6 tại Khu Kinh tế Nghi Sơn trên khu đất rộng 395 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng.
Làn sóng các ông lớn trong và ngoài nước đổ vào Thanh Hóa đang cho thấy vùng đất ven biển này không chỉ có tiềm năng với BĐS nghỉ dưỡng biển mà còn được xem là điểm đến cho BĐS công nghiệp với quỹ đất còn lớn, nguồn nhân công dồi dào và có hạ tầng giao thông thuận lợi.
Cụ thể, Thanh Hóa sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược và giao thông thuận lợi. Cảng nước sâu Nghi Sơn có khả năng khai thác hơn 100 triệu tấn hàng hóa/năm và tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 DWT; Cảng Hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế; có Cửa khẩu quốc tế Na Mèo thông thương với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, liên thông với nhiều nước trong khối ASEAN.
Nhằm đón đầu xu hướng chuyển dịch của các nhà máy từ Trung Quốc đến Việt Nam thời gian gần đây, Thanh Hóa cũng đã ghi nhận hàng loạt dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thành lập đáp ứng nhu cầu về nhà xưởng và kho bãi cho các nhà đầu tư nước ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan trong bối cảnh các thành phố công nghiệp cấp 1 như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…khan hiếm quỹ đất.
Cùng với BĐS công nghiệp, BĐS nghỉ dưỡng tại Thanh Hóa cũng đã đón hàng loạt những tên tuổi lớn như Tập đoàn SunGroup, Vingroup, Sao Mai, T&T, Erowindow, Flamingo tấp nập đầu tư những đại dự án quy mô từ trăm đến hàng nghìn ha khiến cho thị trường bất động sản ở địa phương này đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.
Làn sóng đầu tư vào Thanh Hóa vẫn chưa dừng lại khi mới đây hàng loạt dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư, cũng như phê duyệt lập quy hoạch. Đơn cử như, dự án khu đô thị mới Đại lộ Nam Sông Mã 4.000 tỷ đồng do liên danh với Công ty Xây dựng lắp máy Trung Nam – Công ty Cổ phần Phát triển Hòa Bình đầu tư, dự án Khu dân cư Tây Nam đường Nguyễn Phục, Quảng Thắng do liên danh với Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Xuân Hưng, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Phúc Thành đầu tư, dự án khu dân cư 30ha tại Quảng Thắng của Tập đoàn Miền Trung.
Có thể thấy, các “siêu dự án” đã và sẽ mang lại sự thay đổi mạnh mẽ về kinh tế, xã hội cho tỉnh Thanh Hóa. Đơn cử, trước đây, TP. Sầm Sơn vẫn là một thị xã nhỏ, du lịch phát triển mùa vụ, cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Nhưng từ khi tập đoàn FLC, Sun Group xuất hiện đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng khi vui chơi, giải trí, sân golf, khu nghỉ dưỡng cao cấp rộng hàng trăm ha sát bờ biển, TP. Sầm Sơn đã lột xác một cách rõ rệt. Những năm gần đây, thành phố này đã thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Biển Sầm Sơn nhanh chóng lọt vào tốp những bãi biển đông khách nhất cả nước.
Có thể thấy, cùng một lúc cả thị trường BĐS nghỉ dưỡng và BĐS công nghiệp tại Thanh Hóa đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết, đây cũng là cơ hội cho những nhà đầu tư BĐS đang tìm kiếm vùng đất cất giữ tiền sau tết. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, nhu cầu đầu tư vào BĐS trên toàn thị trường sau Tết hiện vẫn rất mạnh.
Theo ông Đính, Thanh Hóa là tỉnh được các doanh nghiệp lớn trong nước đầu tư phát triển hạ tầng khá mạnh và ghi nhận sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư mạnh mẽ qua các dự án đấu giá đất tại các địa phương này, bất chấp đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp. Theo báo cáo từ văn phòng Hội Môi giới BĐS, tại Thanh Hoá đã thành công vài chục dự án đấu giá đất với hàng trăm sản phẩm đã được đấu giá thành công trong năm 2020.
Cùng quan điểm với ông Đính, nhiều chuyên gia cho biết trong năm 2021 Thanh Hóa sẽ trở thành một trong những thị trường tiềm năng cho nhà đầu tư, đặc biệt là phân khúc đất nền. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lựa chọn những sản phẩm có pháp lý tốt cũng như của nhà đầu tư uy tín. Chỉ nên rót vốn vào những khu đất đã có sổ hoặc đủ điều kiện pháp lý để có những sản phẩm an toàn tuyệt đối. Nên mua những dự án đã hình thành những cụm dân cư với mật độ từ vừa phải đến đông đúc hoặc những dự án đã có chủ trương hình thành cụm dân cư, công nghiệp, cầu cảng trong tương lai.