Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây gấp rút hoàn thành giải phóng mặt bằng

  • 4 năm trước
  • 0

Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết, đến nay công tác đền bù và bàn giao mặt bằng của các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây được 49,65km, số còn lại là 1,65km đang tiếp tục được các địa phương thực hiện.

Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây gấp rút hoàn thành giải phóng mặt bằng

Ảnh minh họa: Bộ GTVT

 Thi công trong 24 tháng

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là dự án trọng điểm quốc gia, được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải áp lực cho tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 1, đồng thời, khơi thông động lực phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng có thời gian thi công gấp rút nên áp lực về tiến độ rất lớn.

“Việc thi công đường cao tốc rất phức tạp. Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây phải mất 4 năm mới thi công hoàn thành. Do đó, áp lực tiến độ đối với dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là rất lớn, bởi thời gian thi công chỉ có 2 năm”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hợp, Phó Trưởng phòng Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư) cho biết, so với 2 dự án thành phần khác là đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45 và Vĩnh Hảo – Phan Thiết, thì dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có cấp độ ưu tiên cao hơn.

“2 dự án Mai Sơn – quốc lộ 45 và Vĩnh Hảo – Phan Thiết là dự án trọng điểm cấp 1 thì dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là dự án trọng điểm cấp đặc biệt, do đó, dự án này sẽ được ưu tiên hơn, thời gian hoàn thành thi công dự án đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai là 24 tháng. Với thời gian gấp như vậy nên yêu cầu đối với nhà thầu là rất cao”, ông Nguyễn Công Hợp thông tin.

Dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây được khởi công vào cuối  tháng 9/2020, dự án có chiều dài tuyến là 99 km. Trong đó, đoạn qua Bình Thuận dài 47,5 km; đoạn qua Đồng Nai dài 51,5 km.

Điểm đầu của dự án nằm trên đoạn tuyến nối từ QL1A đi Mỹ Thạnh (cách QL1A khoảng 2,6 km), tỉnh Bình Thuận (điểm cuối dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết). Điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây tại khoảng Km43+125.

Dự án có tổng mức đầu tư điều chỉnh hơn 12.577 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 7.201 tỷ đồng, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h. Giai đoạn phân kỳ quy mô bốn làn xe hoàn chỉnh bề rộng (Bnền = 25,0m). Trong giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô sáu làn xe, (Bnền = 32,25m). Theo dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.

Gấp rút hoàn thành giải phóng mặt bằng

Thông tin về tình hình giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết, đến nay công tác đền bù và bàn giao mặt bằng của các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho dự án được 49,65km, số còn lại là 1,65km đang tiếp tục được các địa phương thực hiện.

Cụ thể, tại huyện Xuân Lộc đã bàn giao cho đơn vị thi công 26 km, số còn lại chưa bàn giao hơn 1km và các nhánh, lõi quốc lộ 1A. Huyện Cẩm Mỹ còn vướng khoảng 500m của 12 hộ dân tại xã Sông Nhạn; TP. Long Khánh đã hoàn thành công tác bồi thường; huyện Thống Nhất còn vướng 5 hộ tại nút giao thuộc xã lộ 25.

Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây gấp rút hoàn thành giải phóng mặt bằng - Ảnh 1.
Công nhân thi công hạng mục mố trụ cầu vượt đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây qua đường tỉnh 765, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: UBND tỉnh Đồng Nai

Về công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, theo Ban quản lý dự án Thăng Long, tại địa bàn huyện Xuân Lộc cần di dời 34 vị trí, trong đó có 19 vị trí điện trung thế, 14 vị trí đường điện dân sinh, 2 vị trí điện chiếu sáng , 3 vị trí đường ống cấp nước, 13 vị trí cáp viễn thông và 1 vị trí đường thông tin liên lạc.

Tại huyện Cẩm Mỹ có 15 vị trí hạ tầng kỹ thuật phải di dời, trong đó có 11 vị trí đường điện dân sinh và 4 vị trí đường điện trung, hạ thế. Tại TP. Long Khánh có 3 vị trí đường điện phải di dời gồm 1 đường trung hạ thế và 2 đường điện dân sinh. Việc di dời hạ tầng kỹ thuật đến nay đang được các đơn vị thực hiện.

Để đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch, đảm bảo tiến độ dự án, Ban quản lý dự án Thăng Long đã kiến nghị, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và TP. Long Khánh cùng các sở, ngành liên quan quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phần còn lại.

Đồng thời, đẩy nhanh công tác di dời hạ tầng kỹ thuật đảm bảo hoàn thành công tác di dời hạ tầng kỹ thuật trong quý 1/2021. Cùng với đó đẩy nhanh công tác xây dựng khu tái định cư trên địa bàn huyện Xuân Lộc để đảm bảo tiến độ của dự án.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng cho biết, tỉnh đã đề nghị 4 địa phương có đường cao tốc đi qua tăng cường vận động người dân nhận tiền đền bù, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đồng thời, các địa phương chủ động phối hợp với các sở, ngành để hoàn thành các thủ tục thực hiện di dời các công trình hạ tầng.

“Đặc biệt, đối với công tác tái định cư cho người dân, tỉnh đã yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án Thăng Long để đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 khu tái định cư, sớm giao đất cho người dân ổn định cuộc sống”, Bà Nguyễn Thị Hoàng nói.

cafef.vn

Tham gia thảo luận

Compare listings

So sánh
Verified by MonsterInsights