Quảng Ngãi, TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An… liên tiếp thông báo thu hồi, chấm dứt các dự án chậm triển khai, đề xuất đầu tư chưa thực hiện. Chính phủ, Quốc hội và các Bộ, ngành nêu chủ trương, chỉ đạo các địa phương xử lý tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo”, tránh lãng phí tài nguyên đất và ảnh hưởng đời sống người dân.
Nhiều tỉnh, thành thu hồi dự án
Ngày cuối cùng của năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ngãi thông báo chấm dứt hiệu lực thực hiện nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề xuất đầu tư 296 dự án khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp. Phần lớn các dự án này được chấp thuận chủ trương khảo sát, chủ trương đầu tư thuộc giai đoạn 2015 – 2020.
Danh mục dự án có nhiều khu dân cư, khu đô thị như khu dân cư Trà Bồng (chủ đầu tư Cienco5); khu dân cư phía Bắc đường Hồ Quý Ly (liên danh công ty 179 và Nhà Thủ Đức); khu dân cư Kỳ Xuyên Bắc (Black Soil Việt Nam); khu dân cư Hiền Lương (Đất Xanh Đà Nẵng)… Một số dự án sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng như Khu du lịch, dịch vụ sinh thái kết hợp nhà ở (liên danh Phát Đạt và Elements); khu du lịch sinh thái TMS Biển Bình Châu (TMS Toàn Cầu)… Một số khu công nghiệp như VSIP mở rộng (VSIP Quảng Ngãi)…
Ngoài thu hồi, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi còn giao các sở, ban, ngành và địa phương rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan, xác định sự phù hợp của các vị trí dự kiến thực hiện dự án để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét, phê duyệt đưa vào danh mục các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Một địa phương khác cũng có kế hoạch hủy bỏ 326 dự án chậm triển khai là Đồng Nai. Nguyên nhân là dự án quá 3 năm chưa thực hiện; chủ đầu tư không có vốn; chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Các dự án ở nhiều loại hình như khu dân cư, khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp, đất sản xuất, đường giao thông… Trong các địa phương, TP Biên Hòa có số dự án bị đề nghị hủy bỏ nhiều nhất, lên tới 89, chiếm tỷ trọng 27%. Huyện Xuân Lộc và TP Long Khánh cũng có lượng lớn dự án bị đề nghị hủy bỏ, lần lượt đạt con số 48 và 43.
Nhiều dự án chậm triển khai, quy hoạch treo ở nhiều tỉnh, thành được thu hồi. Ảnh: VGP |
Cùng với các tỉnh này, hàng loạt địa phương khác cũng có hành động “mạnh tay” tương tự với các dự án không triển khai đúng kế hoạch. Đầu tháng 12, HĐND TP HCM chấp thuận thông qua danh mục hủy bỏ đối với 61 dự án thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa giai đoạn 2015 – 2017. Trong đó, 43 dự án thuộc danh mục cần thu hồi đất (không chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa); 8 dự án thuộc danh mục cần thu hồi đất (có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa); 10 dự án thuộc danh mục có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (trong đó có 1 dự án trên 10ha).
Đáng chú ý, một số dự án thuộc ‘đất vàng’ tại TP HCM cũng nằm trong danh sách thu hồi như Khu tam giác Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Phạm Ngũ Lão (quận 1) do dự án kêu gọi đầu tư nhưng chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện. Dự án Khu phức hợp Đồng Khởi – Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế (quận 1), do UBND TPHCM chưa lựa chọn được nhà đầu tư vì đang chờ ý kiến kết luận của Thủ tướng, dự án đã quá 3 năm chưa triển khai…
Đồng thời, UBND TP HCM cũng điều chỉnh, hủy bỏ 108 dự án ‘treo’ trong kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2015 – 2019. Các dự án có thể kể đến như khu phức hợp Đầm Sen (5,5 ha, quận 11); Cụm dự án khu đại học rộng hơn 240 ha (huyện Bình Chánh); khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng (36 ha, quận 9)…
Với Long An, trong 11 tháng của năm 2020, địa phương này đã chấm dứt hoạt động của 24 dự án có vốn đầu tư trong nước và 17 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, hàng chục dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư, tiến độ thực hiện chậm, một số nhà đầu tư không có nhu cầu tiếp tục hoạt động, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.
Bà Rịa – Vũng Tàu cũng chấm dứt khoảng 179 dự án chậm triển khai, tính từ năm 2014 đến nay. Các dự án này hầu hết do vướng trong thủ tục đầu tư, hết thời gian sử dụng đất, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, khó khăn trong huy động vốn, chưa thu hút được nhà đầu tư; một số dự án chưa nộp tiền thuê đất và san lấp mặt bằng, nhà đầu tư chưa tập trung triển khai dự án, một số nhà đầu tư không có khả năng thực hiện dự án, một số dự án gặp khó khăn về giao thông kết nối.
Ngoài ra, tỉnh cũng chấm dứt hiệu lực pháp lý 69 văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 25 dự án du lịch 20 dự án du lịch sinh thái trong rừng, 24 dự án thuộc lĩnh vực khác) do nhà đầu tư không thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định. Tỉnh cũng giao các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ tiến độ các dự án theo như cam kết; hết thời hạn được gia hạn sử dụng đất 24 tháng, chủ đầu tư chưa đưa đất vào sử dụng phải báo cáo UBND tỉnh xem xét thu hồi đất.
Chủ trương kiên quyết với dự án chậm, quy hoạch “treo”
Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 9/11/2020, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, quy hoạch “treo” (tổ chức quy hoạch chậm hoặc không thực hiện quy hoạch được lập) ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của dân, do đó, phải tiếp tục thực hiện căn cơ thu hồi dự án “treo”. Bộ trưởng chỉ ra nguyên nhân quy hoạch ‘treo’ là chất lượng quy hoạch thấp, thiếu tầm nhìn, không lập đầy đủ quy hoạch liên quan đặc biệt hạ tầng kỹ thuật, xã hội, thiếu quy hoạch chi tiết 1/500, không xác định chi tiết nguồn lực đầu tư, chưa quản lý nghiêm túc, công khai quy hoạch lộ trình thực hiện, không kịp thời rà soát, năng lực chủ đầu tư yếu kém…
Các địa phương đã rà soát lại quy hoạch, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thu hồi dự án treo như TP HCM thu hồi 176 dự án, Đà Nẵng 201 dự án, Quảng Ninh rà soát hơn 1.000 quy hoạch chậm triển khai. Bộ trưởng khẳng định để tiếp tục xử lý tình trạng này, các địa phương phải có lộ trình cụ thể; lập kế hoạch đầu tư phải bố trí đủ nguồn lực; bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến quy hoạch, thực hiện đầy đủ lấy ý kiến người dân, chuyên gia trong quá trình lập quy hoạch, tăng cường giám sát thực hiện…
Liên quan tới việc xử lý dự án ‘treo’, quy hoạch ‘treo’, Quốc hội có ban hành Nghị quyết 82/2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Trong đó, Nghị quyết nêu rõ Chính phủ yêu cầu các địa phương kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với những dự án không đưa đất vào sử dụng, dự án triển khai chậm tiến độ, dự án đã bị chấm dứt chủ trương đầu tư, dự án sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng và bảo vệ môi trường…
Mạnh tay với các dự án treo, vừa qua Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý thông tin việc Hà Nội có hơn 300 dự án “treo”, “bỏ hoang” khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất. Thực hiện chỉ đạo này, lãnh đạo Hà Nội khẳng định những dự án chậm tiến độ sẽ kiên quyết không cho gia hạn mà thu hồi. Những trường hợp, dự án đã giao đất nhưng không triển khai trong thời gian quy định, sử dụng đất sai mục đích, không thực hiện nghĩa vụ tài chính… sẽ lập hồ sơ xử lý và trình UBND TP ban hành quyết định thu hồi.