TTO – Văn phòng Chính phủ vừa lấy ý kiến 4 bộ Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp về đề xuất giao cho 5 tỉnh, thành phố cùng đầu tư 197,6km đường vành đai 4 TP.HCM.
Đường vành đai 4 TP.HCM – Đồ họa: N.KHANH
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã trình Thủ tướng giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền đầu tư dự án đường vành đai 4 TP.HCM.
Theo quy hoạch được duyệt, tuyến vành đai 4 có chiều dài 197,6km, quy mô đầu tư 6-8 làn xe, điểm đầu giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (địa bàn thị xã Phú Mỹ), điểm cuối tại cảng Hiệp Phước, TP.HCM, có tổng vốn đầu tư khoảng 100.000 tỉ đồng.
Đây cũng là dự án quan trọng quốc gia được ưu tiên đầu tư trong nhiều năm qua. Nhưng đến nay, tiến độ dự án rất chậm, sau nhiều năm đầu tư dự án mới chỉ hoàn thành khoảng 21km trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Bên cạnh đó, tỉnh Long An đang triển khai đầu tư 25km, và đang nghiên cứu đầu tư thêm đoạn Bến Lức – Hiệp Phước khoảng 35km.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, mới đây Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Long An là cơ quan đầu mối, tổng hợp, chủ trì tổ chức triển khai tổng thể dự án đường vành đai 4 do chiều dài tuyến đường chạy qua tỉnh này lớn nhất.
Đồng thời thực hiện phân chia tuyến đường vành đai này thành 5 đoạn tuyến theo địa giới hành chính của các tỉnh, thành phố, và giao cho 5 địa phương trực tiếp huy động vốn đầu tư theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Cụ thể, giao UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền đầu tư đoạn Thầy Cai – Hiệp Phước (dài 71km); TP.HCM đầu tư đoạn từ cầu vượt sông Sài Gòn đến kênh Thầy Cai (dài 17km); Bình Dương đầu tư đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (dài 49km); Đồng Nai đầu tư đoạn từ Bầu Cạn – cầu Thủ Biên (dài 45km); Bà Rịa – Vũng Tàu đầu tư đoạn từ Phú Mỹ – Bầu Cạn (dài 18km).
Cũng liên quan tới tiến độ đầu tư dự án đường vành đai 4, trong cuộc làm việc với lãnh đạo TP.HCM và các địa phương liên quan vào tháng 5-2021, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương xác định dự án thành phần qua từng địa phương để giao các địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện các dự án theo phương thức đầu tư đối tác công tư PPP.
Trong văn bản gửi tới Bộ GTVT mới đây, cả 5 địa phương có tuyến đường vành đai 4 chạy qua đều thống nhất với đề xuất phân chia dự án, giao cho các địa phương trực tiếp thực hiện dự án.
Tuy nhiên, việc phân chia đường vành đai 4 thành các dự án thành phần cần làm rõ về khả năng vận hành, khai thác độc lập của từng dự án thành phần, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng.