Đánh thuế các căn biệt thự không người ở là cách xử lý tình trạng dự án bỏ hoang. Tuy nhiên, ý kiến này mới chỉ ở dạng đề xuất và chưa có một giải pháp mạnh nào được thực hiện.
Hàng loạt dự án nhà liền kề, biệt thự chưa đưa vào sử dụng nhiều năm nay ở Hà Nội đang gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, làm mất mỹ quan đô thị.
Hàng trăm biệt thự bỏ hoang nhiều năm tại dự án KĐT Kim Chung Di Trạch. Ảnh: Lê Sáng
“Nhan nhản” biệt thự hoang
Tại huyện Hoài Đức, phải kể đến Khu đô thị Lideco nằm trên đường 32, thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức, Hà Nội) là dự án do Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư có quy mô 38,23 ha với tổng mức đầu tư 781 tỷ đồng gồm hơn 600 căn biệt thự thiết kế theo phong cách tân cổ điển đến nay vẫn vắng bóng người ở.
Cách không xa dự án Khu đô thị Lideco là dự án Khu đô thị Kim Chung Di Trạch hiện đã đổi tên thành Hinode Royal Park). Khu đô thị này được triển khai từ năm 2008, thế nhưng hơn 10 năm qua, dự án mới chỉ hoàn thành 7-8 dãy nhà liền kề, biệt thự xây thô rồi bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, chôn theo hàng nghìn tỉ của giới đầu cơ.
Tại quận Nam Từ Liêm, Khu đô thị Xuân Phương Viglacera có tổng diện tích 14,6 ha do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2011 và được bàn giao vào cuối năm 2014. Tổng thể dự án bao gồm một tòa chung cư cao 19 tầng, 337 căn liền kề và gần 100 căn biệt thự đơn lập, song lập,… nhưng đến nay đa phần trong đó đang bị bỏ hoang.
Rất nhiều biệt thự bị bỏ hoang nhiều năm trong dự án Foresa Villa. Ảnh: Lê Sáng
Đối diện dự án Khu đô thị Xuân Phương Viglacera là dự án Foresa Villa thuộc khu đô thị sinh thái Xuân Phương đang trong cảnh cây cối lấn hết biệt thự, biến thành nhà hoang. Dự án do Công ty CP Tasco là chủ đầu tư.
Ngoài ra còn một loạt dự án đang bỏ hoang như Hoa Phượng, Bảo Sơn, Khu biệt thự Vườn Cam – Orange Graden (An Khánh – Hòa Đức); dự án khu đô thị mới Cầu Bươu (Thanh Trì, Hà Nội); khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông, Hà Nội),…
Ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, từ năm 2019 thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện dự án… Đến nay, nhiều dự án vẫn đang trong giai đoạn kiểm tra và cần thêm thời gian để bảo đảm có kết quả chính xác.
“Nói dễ, khó làm”
Trước tình trạng “nhan nhản” nhà, biệt thự bỏ hoang trên địa bàn, UBND TP Hà Nội vừa đề xuất Bộ Tài chính thực hiện việc đánh thuế hoặc xử phạt các chủ sở hữu của nhà bỏ hoang không đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản, tính khả thi của đề án này rất thấp, mới chỉ ở dạng đề xuất và chưa có một giải pháp mạnh nào được thực hiện.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, biện pháp đánh thuế có lẽ hợp lý nếu sở hữu nhiều nhà không sử dụng. Để việc đánh thuế chính xác, khách quan, công bằng cần xác định nguyên nhân bỏ hoang của nhà biệt thự là gì, do khách hàng mua rồi bỏ không hay do dự án chưa đảm bảo các yếu tố hạ tầng kết nối và hạ tầng khác để có căn cứ tính toán cần đánh thuế người mua nhà hay chủ đầu tư.
Những căn biệt thự “triệu đô” trong Khu biệt thự Hoa Phượng cũng đã bị bỏ hoang nhiều năm
“Trong trường hợp đánh thuế căn hộ bỏ hoang thì cơ quan quản lý cần đánh thuế tương xứng với giá trị coi như nhà chưa sử dụng; còn trường hợp mua để đó, không sử dụng thì đánh thuế như cho thuê”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, mới đây trong cuộc làm việc với Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc phải điều tiết bằng thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đấy không sử dụng, trong khi người thu nhập thấp thiếu nhà ở. Chiến lược phát triển bất động sản phải gắn với công bằng và tiến bộ xã hội.
Thực tế, vào năm 2012, Hà Nội đã từng đề xuất đánh thuế hoặc xử phạt các chủ sở hữu nhà bỏ hoang cũng như áp dụng thu thuế lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có quy định đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15%, mà chưa có quy định nào đối với nhà, biệt thự bỏ hoang.
Biệt thự bỏ hoang hiện đã không phải “của hiếm” của Hà Nội
Xuất phát từ thực tiễn, theo nhận định của các chuyên gia muốn đánh thuế được nhà bỏ hoang, trước hết phải xây dựng được tiêu chí, cơ sở pháp lý cụ thể để xác định trường hợp nào được xem là nhà bỏ hoang.
Cụ thể: Cần xác định được khu biệt thự bỏ hoang là do chủ đầu tư xây dựng xong, nhưng không bán được do vị trí, giá bán không phù hợp nhu cầu thị trường hoặc cơ sở hạ tầng (đường sá, trường học, bệnh viện…) của khu vực vẫn chưa hoàn thiện, không tiện lợi, không hấp dẫn người dân hay do khách mua đầu tư, để dành, chờ thời điểm thích hợp mới về ở hoặc phấn đấu mua nhưng khi xây xong phần thô lại chưa có tiền hoàn thiện do suy thoái kinh tế, làm ăn khó khăn,…
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đặt ra vấn đề biệt thự bỏ hoang không chỉ thể hiện sự mất cân bằng thị trường mà còn bộc lộ sự yếu kém, thiếu sâu sát từ khâu quy hoạch cho đến cấp phép đầu tư xây dựng những phân khúc nhà không sát với nhu cầu sử dụng.
Bên cạnh việc đánh thuế để thúc đẩy sử dụng phân khúc nhà cao cấp này hay triệt phá nạn đầu cơ nhà đất, Nhà nước cần có những nghiên cứu cụ thể về nhu cầu ở cũng như khả năng thanh khoản trên dòng sản phẩm nhà đất phù hợp, nhằm khuyến khích triển khai những dự án đáp ứng nhu cầu đại đa số người dân, mới mong cân bằng thị trường bất động sản.