Phần lớn chủ khách sạn rao bán cơ sở vì không trụ nổi trước chi phí vận hành và lãi vay ngân hàng
Sau Tết Tân sửu 2021, người mua không khó để tìm thấy hàng chục tin rao bán, chuyển nhượng khách sạn phân khúc từ 1 đến 3 sao tại Đà Nẵng.
Bán để cắt lỗ
Tính riêng ngày 23-2, có đến gần 80 tin rao tương tự được đăng tải trên một trang giao dịch có tiếng ở Đà Nẵng.
Trao đổi với phóng viên, anh Phan Tài ra giá 45 tỉ đồng cho khách sạn 3 sao của anh đầu tư với hơn 30 phòng, vị trí đẹp, cách biển chỉ hơn trăm mét. Theo anh Tài, vào mùa cao điểm, giá phòng từ 900.000 đồng đến 2 triệu đồng/phòng và luôn trong tình trạng “cháy phòng”.
Nhiều nhà hàng, khách sạn ven đường biển Võ Nguyên Giáp (TP Đà Nẵng) ế ẩm, đóng cửa do dịch Covid-19
Theo ghi nhận, trục đường Trần Bạch Đằng chỉ dài khoảng 2 km nhưng có gần 10 khách sạn đang rao bán. Hầu hết chủ khách sạn là người vay ngân hàng đầu tư để đón làn sóng du khách Hàn Quốc, Trung Quốc. Thế nhưng, dịch Covid-19 khiến khách nội khan hiếm, còn khách ngoại gần như không có.
“Từ sau đợt dịch Covid-19 thứ 2 đến nay, khách sạn hoàn toàn đóng cửa. Chi phí duy trì, phát sinh cũng trên dưới 20 triệu đồng/tháng cộng thêm tiền lãi ngân hàng nên tôi phải bán khách sạn để cắt lỗ” – anh Tài nói.
Trên một trang giao dịch bất động sản, một người môi giới tên Nam đang rao bán một khách sạn 2 sao 11 tầng gồm 28 phòng ngủ, 2 mặt tiền nằm trên đường Phan Tôn (quận Ngũ Hành Sơn) với mức giá giảm “sập sàn” 31 tỉ đồng. Ngoài ra, người này còn mời chào thêm nhiều khách sạn ven biển khác, chủ yếu tập trung tại quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn với mức giá từ 40-70 tỉ đồng. “Phần lớn chủ khách sạn rao bán cơ sở vì không trụ nổi trước chi phí vận hành và nợ ngân hàng. Họ bán để “cắt lỗ” khi tình hình du lịch còn khá ảm đạm. Hiện nhiều người mua cũng đang thăm dò để “bắt đáy” khi giá khách sạn xuống thấp” – người môi giới cho hay.
Chuyển công năng lưu trú
Trước tình trạng khách sạn từ 1-3 sao được rao bán ồ ạt thời điểm này, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nhận định đây là xu hướng tất yếu của quy luật cung – cầu.
Theo ông, khi nguồn cung vượt cầu, các chủ đầu tư có thể chuyển công năng cơ sở lưu trú hoặc chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới. “Nhìn trên một góc độ khác, việc chuyển nhượng này sẽ tốt cho điểm đến khi nhà đầu tư mới có năng lực tài chính tốt hơn, có nguồn khách hoặc sản phẩm đặc thù hơn” – ông Dũng nhận xét.
Theo ông Dũng, năm 2021 cũng sẽ là một năm khó khăn. Doanh nghiệp du lịch, lữ hành sẽ phải bám sát vào tiến trình kiểm soát dịch bệnh, nếu có tín hiệu tốt thì sẽ triển khai ngay các biện pháp kích cầu du lịch, tung ra các gói sản phẩm để thu hút du khách. “Hiệp hội đang cùng với quỹ phát triển du lịch thành phố khảo sát tình hình doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ” – ông Dũng nói.
Khách lưu trú trong tháng 1-2021 giảm đến 65,6%
Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho hay tổng lượt khách lưu trú trong tháng 1-2021 của TP chỉ hơn 250.000 lượt khách, giảm đến 65,6% so với cùng kỳ năm 2020, khách quốc tế giảm hơn 95%, khách nội địa giảm 36,7%.
Trong dịp Tết Tân Sửu, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây tâm lý e ngại khiến nhiều du khách hủy tour đến Đà Nẵng. Từ 29 tháng chạp đến mùng 5 Tết, tổng số khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 30.800 lượt, chủ yếu là khách nội địa đi lẻ, đi theo gia đình và tự đặt dịch vụ.