TTO – Tiền của có rồi cũng hết. Ngôi nhà ấm áp yên bình sẽ là chốn quay về. Và chúng ta sẽ có những ngôi nhà bền vững, mang dấu ấn đặc trưng của quê hương, lưu giữ những nếp sống gia đình, những giá trị văn hóa…
Nhà vườn – nhà phố
– Nếu làm nhà, em thích ngôi nhà mình sao?
– Em thích ngôi nhà có cái cửa sổ nhìn xa xăm ngắm mưa.
Cái xứ B’Lao vốn buồn, mưa lại càng buồn hơn. Nhiều khi bình thường, ngắm mưa xong, lại thấy nỗi buồn kéo tới, chực chờ. Những tháng mùa hè, có những cơn mưa dai dẳng, rả rích cả tuần.
Nó hay nằm bên cửa sổ, nhìn mưa ngoài hiên, ngắm những giọt mưa rơi trên mái tôn, kêu lộp độp, rớt xuống đất và tan biến, mưa lại tiếp tục rơi xuống mái tôn, kêu lộp độp, rơi xuống và tan biến.
Nhịp mưa rơi cứ đều đều thành ký ức tuổi thơ.
Ký ức tuổi thơ của nó gắn liền với B’Lao, với căn nhà nhỏ lọt thỏm giữa vườn cà phê, nơi có dáng ba ngồi đốt thuốc trước hiên mỗi sáng, nơi dáng mẹ đùm đề đồ đạc sau mỗi buổi chợ chiều, nơi chị em nó nằm đọc sách hay vui đùa bên ô cửa sổ.
Ngôi nhà xưa
Nhà tuy nhỏ nhưng có rất nhiều cửa sổ. Nó thích nhất cửa sổ phòng chị Hai, nhìn ra cái giếng nước cũ, dưới đất điểm ít hoa thạch thảo đủ màu, trên cao những chùm mận đỏ lủng lẳng đong đưa mời gọi.
Nó cũng mê cái cửa sổ phòng mẹ, nơi có ánh sáng óng ánh mỗi buổi sớm mai, nó nằm lười biếng nghe tiếng xe cộ rộn ràng bên ô cửa. Nó cũng mê cửa sổ phòng khách, nơi thấp thoáng nụ hồng chớm nở.
Nhà nó tuy không to rộng tiện nghi, nhưng thơ mộng và ấm áp. Nhà có cái cổng màu tím hoa cà, có hàng rào dã quỳ không bao giờ nở hoa, có khoảnh sân rêu phong trơn trượt, nơi có vườn hoa xinh đẹp do chị em nó trồng, nơi có vườn cà phê thơm ngát hương tháng 12 và những cây sầu riêng tháng 9 trĩu quả…
Căn nhà xưa…
Ngày ba má nói đập nhà cũ, xây nhà mới nó phản đối ghê lắm, nhưng ba má có lý do riêng. Ba má muốn cuối đời có cái nhà khang trang hơn. Nhà cũ đã 30 năm rồi, xưa vật liệu chất lượng giới hạn không chịu nổi cái ẩm lạnh nơi phố núi.
Sàn ximăng nhà bong tróc, để lại những mảng chắp vá loang lổ, những phần vôi vữa dưới chân tường bong tróc, lở ra theo năm tháng, và phần vì lý do nhà cũ giữa đất thì sao mà chia cho đám con ra riêng.
Thế là cũng ngót nghét chục năm nhà mới. Căn nhà phố khang trang, khoảng giếng trời cầu thang lấy sáng thay cho những ô cửa sổ, khoảng vườn hoa trước nhà thay cho mảnh vườn của ba. Mẹ có kiôt bán hàng tại gia, không còn vất vả sáng chiều ngoài chợ.
Nhưng rồi ba cứ đi ra lại đi vô, rồi lại leo lên giường nằm, xem tin tức thời sự trên tivi, rồi lại ra ghế đá đốt thuốc. Không nói ra, nhưng ba vẫn không quen với nhịp sống hiện tại.
Lối xưa…
… Và nay
Đô thị hóa, nhà phố thay nhà vườn, quán xá thế chỗ dần dần những vườn cây trái, biết sao được. Nó thì muốn dịch ra xa hơn, đất đai rộng hơn.
Nó muốn làm một căn nhà vườn mới, nơi có cái hiên rộng có thể treo cái võng đòng đưa nằm đọc sách, nơi có nhiều cửa sổ mở ra vườn cây ăn trái, nơi có thể đón nắng, đón mưa, đón sương mỗi sớm, nơi có vườn cây của ba, nơi có vườn rau của mẹ.
Nó hay nghĩ rằng, nó sẽ không để lại gì ngoài một căn nhà thơ mộng, lưu giữ kỷ niệm, ký ức, những khoảnh khắc bình yên.
Nhà phố như vẫn vương mãi hình bóng ngôi nhà xưa
Ngôi nhà ấm áp yên bình sẽ là chốn quay về
Tiền của có rồi cũng hết. Ngôi nhà ấm áp yên bình sẽ là chốn quay về. Và chúng ta sẽ có những ngôi nhà bền vững, mang dấu ấn đặc trưng của quê hương, lưu giữ những nếp sống gia đình, những giá trị văn hóa, để không phải cứ xây rồi đập rồi xây, và luẩn quẩn trong vòng quay nhà vườn nhà phố.
Những ngôi nhà không phải chỉ nằm trên phố, không phải chỉ tồn tại trên đất, mà còn nằm sâu trong tâm trí, trong ký ức, nơi tâm hồn tựa vào những lúc hoang hoải nơi phố xa.
Ngôi nhà trong ký ức
Cuộc thi “Nhà tôi – Mái ấm” do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Ximăng INSEE Việt Nam.
Cuộc thi dành cho bạn đọc với những bài viết, hình ảnh chia sẻ về không gian sống, ngôi nhà và ngôi nhà kỷ niệm, ý tưởng về không gian sống, ngôi nhà đẹp, ước mơ về ngôi nhà tương lai…
Mong nhận được nhiều chia sẻ, bài dự thi của bạn đọc trên cả nước.