TTO – Mỗi lần lên lại núi, mở cửa nhà ra, tôi thường đứng lặng im hít thật lâu mùi gỗ thông thoang thoảng. Và trước khi đợt dịch bệnh thứ tư bùng phát, tôi đã có chỗ lên tránh dịch.
Sớm mai bên hiên nhà
Nhiều năm trước, trong một lần lang thang “phiêu bạt giang hồ” ở Bảo Lộc, nghe người quen ở đây nói cách đó gần 15km có một ngôi chùa đang xây rất lạ trên núi, thế là cả bọn tìm đến. Dạo quanh nhìn ngắm cảnh chùa và những vườn trà trên núi xong, tôi nhờ người quen đi cùng tìm chủ đất hỏi mua vài công.
Lúc đó đất còn rẻ, ngoài ngôi chùa ra, chung quanh khá quạnh vắng.
Mấy năm sau khi vừa nghỉ hưu, tôi bắt đầu lên xây rào bọc quanh miếng đất rồi cất một ngôi nhà nhỏ. Lúc này ngôi chùa đã nổi tiếng nhờ một ca sĩ lên làm album ca nhạc có quay cảnh của chùa nên chưa 3h sáng, xe ôm đã chở khách hành hương, các nhà nhiếp ảnh lên “săn mây” nườm nượp.
Cất một cái nhà trên núi với địa hình hiểm trở, khá dốc thật gian khổ, lắm lúc phải chở vật liệu lên bằng xe máy cày, xe honda ôm.
Sàn xây dựng chưa đến 100m2 nhưng theo thiết kế – chỉ phần ximăng cho móng nhà thôi đã mất 300 bao và phải thuê xe múc để đào đất sâu xuống chứ sức người không làm nổi. Và làm nhà ở đây không thể khoán hết cho thầy thợ nên tôi phải vác balô đi về liên tục.
Với độ cao hơn 900m so với mặt nước biển, nên thời tiết lạnh hơn Bảo Lộc nhiều, nhất là về đêm và không có nước nóng. Rồi dịch vụ ở đây không như Sài Gòn – không cần khách hàng.
Ở Sài Gòn gạch giao cho người mua được bốc xếp cẩn thận để đếm được thì nơi đây gạch được thải lên xe, chở lên đến chỗ trống rồi đổ ào xuống thành đống, chịu không chịu thì thôi.
Nhưng rồi sáu tháng trôi qua, cũng xong ngôi nhà nằm giữa lưng chừng núi, bên dưới là một thung lũng trải rộng và xa chút là đồi núi chập chùng. Quanh nhà vẫn là vườn trà xanh tốt, sầu riêng trĩu trái và có thêm rau củ bông hoa cây cỏ đủ màu sắc, những giàn su su, chanh dây, bầu bí mướp nặng trĩu trái.
Điểm độc đáo của ngôi nhà đó là được nhìn ngắm mây giăng phủ bên dưới, xa xa là đồi núi chập chùng. Vì vậy cửa sổ các phòng ngủ, hàng hiên hai bên đều mở hướng ra phía thung lũng để những sớm tinh mơ, mặt trời chưa thức dậy, bên ly cà phê thật nóng tôi thấy mình như sống trên mây.
Chưa hết, với địa thế đó nên nắng đang chói chang thôn xóm nào, mưa đang từ đâu kéo tới, tôi đều nhìn thấy, nghe thấy. Rồi tiếng chuông chùa khuya khuya từ trên xa xa vọng lại giúp tâm hồn bình yên đến lạ lùng.
Một trong những điều bạn bè thích thú nữa là khi lên chơi, đêm dù lạnh nhưng trong nhà rất ấm. Ấm là nhờ dù tường xây hai lớp gạch đinh, trần nhà cũng như vách nhà và sàn gác, tôi đều dùng gỗ thông và nhà tắm nhà bếp đều có gắn máy nước nóng gián tiếp.
Song song đó, tôi còn xây một lò sưởi trong nhà bằng gạch chịu lửa Lái Thiêu để những đêm mưa lạnh hay những ngày cuối năm, chất củi vào lò đốt lên, tiếng guitar bên ánh lửa bập bùng, vùi tro vài củ khoai lang, nướng vài con khô mực, lôi chai rượu chuối sứ tự làm chôn hơn trăm ngày ngoài vườn lên, cả bọn chợt thấy những ngày cơ cực mưu sinh như vơi bớt ít nhiều.
Từ đó, cứ ba tuần trên núi, một tuần về xuôi. Mỗi lần lên lại núi, mở cửa nhà ra, tôi thường đứng lặng im hít thật lâu mùi gỗ thông thoang thoảng. Và trước khi đợt dịch bệnh thứ tư bùng phát, tôi đã có chỗ lên tránh dịch.
Trên núi mật độ dân cư rất thấp, nhà này cách nhà kia không biết bao nhiêu công vườn, gió trời lồng lộng nên dịch bệnh không bén mảng tới. Chợ búa vẫn mua bán, tựu trường học sinh vẫn đi học bình thường. Chỉ có bước ra khỏi cổng là khẩu trang, giữ khoảng cách… như khuyến cáo.
Chợt ao ước người phố thị phồn hoa đông đúc, nhà cửa chật hẹp cũng có một nơi nào đó để khi dịch bệnh sắp đến, có thể “bỏ phố về rừng”, không cho virus tàn ác có điều kiện gây tai họa tang thương cho người dân mình thì tốt đẹp biết bao.
Khu nhà vườn khi đang thành hình
Ngắm bình minh từ cửa sổ
Sương sớm
Góc thư giãn nơi hiên nhà
Nắng lên
Ngắm hoàng hôn trước cổng nhà
Chờ trăng lên
Quanh nhà vẫn là vườn trà xanh tốt, sầu riêng trĩu trái và có thêm rau củ bông hoa cây cỏ đủ màu sắc, những giàn su su, chanh dây, bầu bí mướp nặng trĩu trái. Do không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc xịt rầy, phân bón hóa học nên chim rừng về nhiều, vườn đã có nấm mối
Đón người thân, bạn bè lên chơi cuối tuần
Cuộc thi “Nhà tôi – Mái ấm” do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của Ximăng INSEE Việt Nam.
Cuộc thi dành cho bạn đọc với những bài viết, hình ảnh chia sẻ về không gian sống, ngôi nhà và ngôi nhà kỷ niệm, ý tưởng về không gian sống, ngôi nhà đẹp, ước mơ về ngôi nhà tương lai…
Mong nhận được nhiều chia sẻ, bài dự thi của bạn đọc trên cả nước.