TTO – Mỗi lần trở về ngôi nhà thân thương, nơi đầu tiên chúng tôi chạy ùa vào chính là chái bếp cũ kỹ phía sau nhà, nơi có bóng dáng hao gầy của hai con người ẩn sau làn khói đã cho chúng tôi hiểu thế nào là ‘nhà’.
Ba má tôi đã xây nên tổ ấm của mình với chái bếp giản dị và nghề muối dưa chua
Cặp nhẫn cưới ba má đã bán ngay sau đám cưới được ba ngày. Đôi vợ chồng trẻ nghèo quyết định rời bỏ thành phố biển Nha Trang lên vùng rừng núi của Đắk Lắk. Với số tiền nhỏ nhoi bán đi từ cặp nhẫn đeo còn chưa ấm hơi người, ba má lập nghiệp với một căn nhà ván đơn sơ.
Một gian nhà lớn được ngăn làm ba: một phòng khách nhỏ với bộ bàn ghế “handmade” bằng tre ọp ẹp, một phòng ngủ và chái bếp nhỏ cuối cùng.
Ba má bắt đầu vun vén tổ ấm của mình với chái bếp giản dị và nghề muối dưa chua. Và chắc chắn lúc đó ba má cũng không ngờ rằng nghề muối dưa sống qua ngày ấy lại theo mình đến tận hôm nay.
Căn nhà nhỏ bỗng chốc phải nới rộng ra khi có sự xuất hiện của sáu anh chị em tôi. Những tấm ván đắp tạm, những tấm tôn lạnh đã cũ mà ba mua giá rẻ, những tấm bạt nilông nhiều màu là những thứ đã che nắng che mưa cho cả tuổi thơ chúng tôi.
Bếp ấm
Phải nuôi sáu miệng ăn nên má suốt ngày ở trong chái bếp đầy khói. Mấy anh chị em xúm lại rửa dưa thì má ở trong bếp nhóm lửa và chuẩn bị nồi nước lớn để trụng. Đang tuổi ăn tuổi học, tuổi chơi tuổi phá mà cứ phải ngồi bên thau nước để rửa dưa hết bao này sang bao khác khiến mấy anh chị em tôi hay than vãn đủ điều.
Những lúc như thế, má hay ca một bài “vọng cổ” chua hơn cả dưa đã muối cho chúng tôi nghe. Thế nhưng, mấy đứa con chẳng ai giận hay buồn má khi thấy những giọt mồ hôi và nước mắt chảy ra trên mặt má.
Không biết nước mắt rơi vì cái nóng, cái cay của hơi nước sôi, hay vì má thương cho đàn con khi phải cùng má chịu cực.
Những vại dưa muối trộn lẫn mồ hôi và nước mắt. Có lẽ vì thế mà dưa muối nhà tôi có vị “đậm đà” và được nhiều người ủng hộ chăng?
Những vại dưa muối như chan đầy mồ hôi và nước mắt của má tôi
Tôi từng thắc mắc: “Sao ba má không bỏ chái bếp cũ đó đi, nó chẳng hợp với ngôi nhà mới gì cả”. Đáp lại tôi, ba má chỉ cười mà nói: “Còn nhỏ thì biết gì”. Tôi của tuổi 16 làm sao hiểu hết ý nghĩa của những lời ba má nói, nên cứ thế quên đi rồi qua chuyện.
Rồi cũng đến một lúc tôi nhận ra với người lớn, có những thứ đã cũ nhưng lại là bất hủ. Chái bếp nhà tôi là một điều tương tự như thế với ba má.
Mãi sau này, khi đã bước ra và lăn lộn với đời, tôi mới dần thấu hiểu những gì ba má đã nói trong chái bếp đắp bằng mấy tấm tôn đã gỉ. Chái bếp mặn mòi với vại dưa muối, với làn khói cay xè, với những giọt mồ hôi và nước mắt giữ cho chúng tôi một nơi để tìm về…
Trở về ngôi nhà thân thương, nơi đầu tiên chúng tôi chạy ùa vào chính là chái bếp cũ kỹ phía sau nhà
Mỗi lần tết đến xuân về, sáu anh chị em chúng tôi lại trở về ngôi nhà thân thương ấy. Thế nhưng, nơi đầu tiên chúng tôi chạy ùa vào chính là chái bếp cũ kỹ phía sau nhà.
Nơi đó, có bóng dáng hao gầy của hai con người ẩn sau làn khói bếp đã cho chúng tôi hiểu thế nào là “nhà”.
Cuộc thi “Nhà tôi – Mái ấm” do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Ximăng INSEE Việt Nam.
Cuộc thi dành cho bạn đọc với những bài viết, hình ảnh chia sẻ về không gian sống, ngôi nhà và ngôi nhà kỷ niệm, ý tưởng về không gian sống, ngôi nhà đẹp, ước mơ về ngôi nhà tương lai…
Mong nhận được nhiều chia sẻ, bài dự thi của bạn đọc trên cả nước.