TTO – Sau những giờ ‘lăn lê bò trườn’ ngoài thao trường huấn luyện, tôi trở về căn nhà của lính. Bao nhọc nhằn tan biến, chỉ còn lại đầy ắp niềm vui bên người thân. Tất cả vật dụng trong nhà trở thành ‘máu thịt’, đi xa là nhớ như không thể tách rời.
Ống khói, lấy ý tưởng từ “trụ tháp DK1”
11 năm đi nhà giàn DK1, 30 năm trong đời quân ngũ, mấy chục năm gom góp tôi mới làm được căn nhà cho riêng mình sau nhiều năm thuê trọ. Tuy không đẳng cấp như những ngôi nhà giàu có, nhưng đủ thoáng mát và được nhiều đồng đội tấm tắc khen “nhà đẹp lắm”.
Có người hỏi: “Ông là bộ đội nhà giàn DK1 làm gì có tiền xây nhà đẹp thế?”, tôi cười bảo: “Đó là căn nhà thấm đẫm mồ hôi cả đời quân ngũ của bộ đội nhà giàn”. Có đồng đội “xin chụp tấm ảnh phòng khách làm mẫu nhé” khi ngồi uống trà tại phòng khách.
Căn nhà xây dựng năm 2019 trên diện tích 180m2 ở vùng ven thành phố Vũng Tàu. Do diện tích đất khá rộng so với những căn nhà “hộp” trong phố nên tôi thiết kế để vừa tiện lợi công năng sử dụng, vừa không “đụng hàng”.
Khác với căn nhà phố gắn máy hút mùi ở phía trên bếp nấu ăn, tôi xây “ống khói thông thiên” mà không cần động cơ máy quạt. Cái ống khói lạ lùng “mọc” từ tầng trệt đến hết tầng ba của căn nhà như một “trụ tháp DK1” sơn màu đen đỏ.
Trong lòng ống khói là “không gian hút tự động” rộng 60 x 120cm. Mỗi lần kho cá, thịt, không cần quạt hút vẫn không có mùi thức ăn tỏa ra. Điều thích thú nhất là mỗi năm đến ngày lễ Giáng sinh, ống khói là nơi để tôi thả quà “ông già Noel” cho lũ trẻ.
Bờ kênh êm đềm trước “căn nhà kiểu lính nhà giàn DK1”
Giàn hoa giấy leo kín bancông
Cổng nhà nhìn từ phía trong
Vốn là người lính nhà giàn DK1 quen với “kỷ luật thép” và ngăn nắp nên các phòng trong căn nhà cũng được tôi bố trí theo “kiểu bộ đội”.
Để có chỗ tiếp đồng đội, tôi dành phần lớn diện tích tầng trệt làm phòng khách. Vật dụng phòng khách không đắt tiền nhưng trang nhã, thể hiện sự tôn trọng mỗi lần đồng đội đến chơi. Ngồi trên ghế gỗ giản dị, nhâm nhi ly trà Bắc sau một tuần làm việc vất vả, bao nhọc nhằn tan biến hết, chỉ còn lại đầy ắp niềm vui bên người thân.
Tất cả những vật dụng trong nhà trở thành “máu thịt”, đi xa là nhớ như không thể tách rời.
Có một nơi được coi là “điểm hội tụ yên bình cho cả nhà” mà các thành viên trong gia đình đều thích. Đây là bancông đón bình minh khi mặt trời ló dạng và cũng là nơi cả nhà ngồi quây quần bên nhau.
Dưới tán hoa giấy hồng nhạt, tôi kể chuyện 11 năm đi nhà giàn xa nhà biền biệt; những lần bộ đội nhà giàn DK1 chống chọi với sóng to gió lớn và cả sự hy sinh anh dũng của những liệt sĩ mãi mãi nằm lại biển khơi…
Phòng khách giản dị nhưng không kém phần sang trọng
Màu xanh quê hương hiện hữu một góc căn nhà
Nơi thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng
Bình yên mùa dịch
Thời bình lặng im tiếng súng. Với những người lính nhà giàn DK1 cả năm biền biệt xa nhà làm bạn với sóng gió biển khơi, việc dành dụm, tích cóp xây cho riêng mình một tổ ấm không quá khó so với bộ đội thời chiến trận.
Mỗi người có một điều kiện sống, một hoàn cảnh, một nghề nghiệp riêng chẳng ai giống ai, nhưng căn nhà là “bến đỗ bình yên” chung cho tất cả các thành viên trong gia đình. Với tôi, căn nhà “kiểu lính nhà giàn DK1” thực sự là nơi bình yên sau những giờ huấn luyện nhọc nhằn căng thẳng ngoài thao trường.
Và đó cũng là “máu thịt” của cả đời quân ngũ.
Cuộc thi “Nhà tôi – Mái ấm” do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Ximăng INSEE Việt Nam.
Cuộc thi dành cho bạn đọc với những bài viết, hình ảnh chia sẻ về không gian sống, ngôi nhà và ngôi nhà kỷ niệm, ý tưởng về không gian sống, ngôi nhà đẹp, ước mơ về ngôi nhà tương lai…
Mong nhận được nhiều chia sẻ, bài dự thi của bạn đọc trên cả nước.
Nhà tôi mái ấm