Chờ đợi ‘cú huých’ từ các dự án đường sắt đô thị

  • 4 năm trước
  • 0

Việc sớm triển khai và đưa vào vận hành các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội trong thời gian tới sẽ giúp giảm tình trạng ùn tắc giao thông, thay đổi bộ mặt đô thị, đồng thời góp phần phân bổ lại dân cư vùng lõi, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển bền vững.

Chờ đợi 'cú huých' từ các dự án đường sắt đô thị

Trong những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội mà còn góp phần xây dựng bộ mặt TP. Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại, từ đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Nội trở thành một thành phố hiện đại, xứng tầm là Thủ đô có vị thế trong khu vực cũng như thế giới.

Đặc biệt, sau khi quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2016, Hà Nội đã và đang từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy liên kết các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Theo đó, diện tích đất đô thị dành cho giao thông, tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng của TP. Hà Nội đều tăng. Như năm 2015, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông đạt 8,65% diện tích đất xây dựng đô thị, thì đến cuối năm 2019 đạt 9,75% và dự kiến đến hết năm 2020 đạt khoảng 10,05%.

Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Hà Nội đã hoàn thành 5 tuyến đường giao thông liên vùng kết nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận gồm 4 tuyến đường cao tốc: Hà Nội – Hải Phòng, Hòa Lạc – Hòa Bình, Hà Nội – Bắc Giang, Pháp Vân – Cầu Giẽ giai đoạn 2 và 1 cầu vượt sông (cầu Văn Lang trên tuyến Ba Vì – Việt Trì).

Ngoài ra, Hà Nội đã hoàn thành 5 công trình cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm: Cầu vượt ở nút giao Cổ Linh, Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái, nút giao trung tâm quận Long Biên, cầu vượt Bắc sông Hồng, cầu vượt An Dương và đã hoàn thiện kết nối một số đoạn tuyến còn lại của đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3.

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng đã cải tạo, mở rộng tuyến đường đê từ An Dương – khách sạn Thắng Lợi. Cách đây ít lâu, vào tháng 10/2020, Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3 cũng đã được khởi công. Công trình có tổng mức đầu tư dự án 698 tỷ đồng với thời gian thực hiện khoảng 18 tháng. Đây là một trong những dự án nằm trong danh mục công trình trọng điểm của TP. Hà Nội nhằm mục tiêu giải quyết xung đột tại nút giao giữa đường Vành đai 3 với đường Lê Văn Lương.

Nhờ đầu tư cho hạ tầng, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, tình trạng ùn tắc giao thông đã được cải thiện đáng kể, số điểm ùn tắc giao thông giảm từ 41 điểm (năm 2015) xuống còn 34 điểm (tháng 3/2020). Tại khu vực cửa ngõ Thủ đô, nhiều dự án hạ tầng giao thông cũng đang được đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, nhìn chung, với số lượng phương tiện giao thông trên địa bàn rất lớn trong khi diện tích đất dành cho giao thông mới tăng ở mức 0,3%/năm, nên hiện nay kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô vẫn đang bị quá tải.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra quan điểm: “Trong vòng 5 năm nữa, với tốc độ gia tăng xe cá nhân sẽ không thể nào hạn chế được ùn tắc giao thông. Các đô thị lớn càng xây dựng hạ tầng đường sá thì càng ùn tắc bởi hấp dẫn người dân đổ về (Hà Nội và TP.HCM mỗi năm tăng 200.000 người). Do đó, không hạ tầng nào có thể đáp ứng nổi tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, dẫn đến ùn tắc và ô nhiễm môi trường”.

Qua rà soát, liên ngành đã xác định được các nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông hiện nay là do quá tải của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; xung đột giao thông tại một số các nút giao thông có mật độ cao gây ùn tắc; các điểm đang tổ chức thi công công trình giao thông; một số đoạn, tuyến đường chưa được đầu tư hay chưa hoàn chỉnh dẫn đến tạo thành các nút cổ chai; xảy ra sự cố giao thông trên các tuyến đường giao thông có mật độ cao.

“Cú huých” từ các đại dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội

Để giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc giao thông, thời gian tới, Hà Nội sẽ thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh xây dựng các dự án trọng điểm, trong đó có tuyến vành đai 3,5 và cầu Ngọc Hồi. Theo quy hoạch, cầu Ngọc Hồi sẽ nối với đường Hà Nội – Hưng Yên, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Như vậy, với quy hoạch này, trong tương lại khi xây dựng cầu Ngọc Hồi, cầu Thanh Trì sẽ không còn cảnh ùn tắc khi phương tiện có nhiều sự lựa chọn hơn.

TP. Hà Nội cũng phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm bốn tuyến đường sắt đô thị trong giai đoạn 2021-2025, bao gồm: Tuyến số 5 đoạn Văn Cao – Hòa Lạc, tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai, tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo; tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại làm cơ sở để khởi công trong giai đoạn tiếp theo.

Điển hình trong số này là đoạn tuyến đường sắt đô thị số 3 từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai với vai trò đặc biệt trong việc hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị giai đoạn đầu tại khu trung tâm thành phố. Tổng chiều dài đoạn tuyến chính là 8,786km, trong đó chiều dài đi ngầm là 8,13km. Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.752,78 triệu USD, tương đương 40.577 tỷ đồng.

Dự kiến, dự án được khởi công từ năm 2022 và hoàn thành vào cuối năm 2028. Đoạn tuyến này sẽ nối dài tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội ở ga Trung tâm (cókết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 và tuyến đường sắt quốc gia); kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 tại ga Hàng Bài; Tuyến đường sắt đô thị số 4 tại đường Vành đai 2,5; Tuyến đường sắt đô thị số 8 tại đường Vành đai 3. Sự kết nối này sẽ gia tăng mức độ gắn kết của mạng lưới đường sắt đô thị.

Còn với tuyến đường sắt số 5 Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc, dự án có chiều dài toàn tuyến là 38,43km (6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93km đi trên mặt đất), bao gồm 21 ga (trong đó có 6ga ngầm). Dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công dự kiến tổng vốn đầu tư là 65.404 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt đô thị số 5 này sẽ kết nối và cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm thành phố nhằm giảm mật độ giao thông đô thị, cải thiện kết cấu giao thông và điều kiện đi lại của nhân dân.

Với dự án Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, chiều dài đoạn tuyến này khoảng 11,5km, trong đó 8,9km đi ngầm, 2,6km chạy trên cao, với 7 ga ngầm và 3 ga trên cao. Quy mô sử dụng đất dự án khoảng 92ha, thời gian hoàn thành xây dựng dự kiến vào năm 2027, chậm 12 năm so với kế hoạch trước đó.

Về hiệu quả kinh tế xã hội của dự án này, theo đánh giá của TP. Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông công cộng, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng khu vực trung tâm thủ đô.

Riêng với tuyến Metro số 1 Ngọc Hồi – Yên Viên, đây là một trong những dự án quan trọng của hệthống đường sắt đô thị Hà Nội với tổng chiều dài lên đến 28,7 km bao gồm 16 nhà ga. Dự án này được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương và giao Bộ GTVT quyết định đầu tư để triển khai thực hiện từ năm 2004. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ và phải tiến hành điều chỉnh phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn cho phù hợp với thực tế và khả năng huy động vốn.

Như vậy, trong bối cảnh nhu cầu xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết khi áp lực ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng đè nặng lên quỹ hạ tầng eo hẹp của Thủ đô, thì việc sớm xây dựng và đưa các tuyến đường sắt đô thị trên vào vận hành được kỳ vọng không chỉ thay đổi diện mạo đô thị của Hà Nội, giải quyết ùn tắc, tai nạn, mà lớn hơn, sẽ thay đổi được thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân trong tương lai.

cafef.vn

Tham gia thảo luận

Compare listings

So sánh
Verified by MonsterInsights