Cảnh báo lừa đảo từ chiêu “góp vốn” dự án

  • 4 năm trước
  • 0

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều đối tượng lừa đảo, núp dưới vỏ bọc chủ đầu tư để chiếm đoạt tiền góp vốn đầu tư vào các dự án bất động sản của khách hàng.

Cảnh báo lừa đảo từ chiêu “góp vốn” dự án

Ông Nguyễn Chu Sâm – Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mai dịch vụ Kim Thủy Lâm bị bắt (ảnh: Zing.vn)

Mới đây, công an tỉnh Kiên Giang đã thực hiện lệnh tạm giam 120 ngày đối với ông Nguyễn Chu Sâm – Giám đốc CTCP TM dịch vụ Kim Thủy Lâm về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Bằng hình thức góp vốn, đầu năm 2018, ông Nguyễn Chu Sâm thỏa thuận với với 3 người là bà Nguyễn Thị Yến, Lê Thị Minh Huệ (TP Hà Nội) và bà Nguyễn Thị Nhạn (Thanh Hóa) góp vốn mua thửa đất có diện tích 5.000m2 tại ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh, TP Phú Quốc với giá 15 tỷ đồng. Ông Sâm góp 75%, 3 người còn lại góp 25%.

Tuy nhiên, khi đặt vấn đề mua thửa đất trên, chủ đất đã không bán. Ông Sâm vẫn chỉ đạo nhân viên công ty soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh cùng 3 người trên, nhận số tiền góp vốn 3,75 tỷ đồng. Sau đó, để 3 người trên tin tưởng, ông Sâm cũng đã tự lập hợp đồng mua bán khu đất trên và tự ký tên chủ đất cũng như người làm chứng.

Trước đó, Viện KSND TP Hà Nội cho biết, Nguyễn Văn Hiếu và Nguyễn Thế Hùng là Giám đốc Công ty cổ phần Cầu Vàng đã bàn bạc, thống nhất việc lập Dự án nhà ở tại thôn Hoàng Bốn (xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Trong khoảng thời gian từ tháng 8-2010 đến tháng 9-2011, Hiếu và Hùng đã ký các văn bản thỏa thuận góp vốn với 17 khách hàng để thu hơn 29 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.

Cũng với hình thức mạo danh là chủ đầu tư dự án, một cá nhân đã “kêu gọi góp vốn” lừa ký 55 hợp đồng, qua đó chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng tại 2 dự án là khu biệt thự và nhà ở tại Văn Giang, Hưng Yên và một khu đô thị tại huyện Củ Chi, TP HCM.

Trên thực tế, việc góp vốn để mua bất động sản không phải sự việc hiếm có trên thị trường bất động sản. Có thể xảy ra ở cả trường hợp các cá nhân góp vốn mua đất và cá nhân góp vốn cùng doanh nghiệp đầu tư.

Cảnh báo lừa đảo từ chiêu “góp vốn” dự án - Ảnh 1.

Luật sư cảnh báo có khả năng mất trắng tiền khi góp vốn mua bất động sản.

Theo Luật gia Nguyễn Thị Thu Hiền, Đoàn Luật sư TP HCM, hợp đồng góp vốn là sự thỏa thuận giữa hai bên liên doanh, tuy nhiên thường các cá nhân đề xuất góp vốn hoặc chủ đầu tư sẽ soạn sẵn mẫu sẵn để người góp vốn ký vào, gần như không có cơ hội thảo luận, bàn bạc về điều khoản. Chính vì vậy, điều khoản ở các hợp đồng rất lỏng lẻo, hoặc các điều khoản thường có lợi cho bên đề xuất. Nếu không cẩn thận, có thể bị chiếm dụng vốn, mất trắng mà không thể ngờ tới.

Vị luật sư cũng cảnh báo có khả năng mất trắng tiền khi đã góp vốn, bằng chứng về việc đã góp tiền đó là phiếu thu, phiếu chuyển tiền chứ không phải là hóa đơn.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cảnh báo nhà đầu tư nên thận trọng khi đầu tư bất động sản qua hình thức góp vốn, hợp tác kinh doanh.

“Nhà đầu tư đưa tiền cho doanh nghiệp, cá nhân đề xuất theo hình thức góp vốn mà lại không có cơ chế kiểm soát vốn, theo đó doanh nghiệp muốn làm gì cũng được, cùng lắm trả lại vốn. Trường hợp xấu, doanh nghiệp ôm tiền bỏ trốn thì nhà đầu tư cũng phải chịu” – chuyên gia Đinh Thế Hiển cho biết.

Theo vị chuyên gia, hợp đồng góp vốn thực chất không xấu nhưng vì có nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng trục lợi nên ngày càng “biến tướng”. Do đó, các nhà đầu tư chỉ nên ký hợp đồng góp vốn khi đã xác minh kỹ thông tin về doanh nghiệp, cá nhân và cả khu đất.

Trong khi đó, vị luật gia cho biết, trước khi đặt ký hợp đồng, nhà đầu tư nên yêu cầu chủ dự án, người đề xuất trình bày hồ sơ của sản phẩm và thủ tục pháp lý. Nêu rõ các tình huống xấu nhất có thể xảy ra với hợp đồng kinh doanh. Người góp vốn cần chủ động đàm phán các phụ lục và điều khoản bồi thường khi điều kiện bất khả kháng xảy ra đối với hợp đồng góp vốn.

cafef.vn

Tham gia thảo luận

Compare listings

So sánh
Verified by MonsterInsights