Bất động sản công nghiệp ‘sống’ bền bỉ bất chấp đại dịch

  • 4 năm trước
  • 0

Năm 2020, giá chào thuê đất công nghiệp vẫn tăng 20 – 30% theo năm ở các tỉnh, thành miền Bắc và Nam. Thị trường bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 2021 nhờ các yếu tố tăng trưởng kinh tế vĩ mô, sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc và nhu cầu thuê lớn từ nhóm doanh nghiệp FDI.

Bất động sản công nghiệp 'sống' bền bỉ bất chấp đại dịch

Giá chào thuê đất khu công nghiệp ở nhiều tỉnh thành tăng 20 – 30%

Báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ ra trong năm 2020, bất động sản (BĐS) khu công nghiệp (KCN) vẫn tăng trưởng tích cực cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.

Về giá thuê, một số KCN tại miền Bắc như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương và miền Nam như TP HCM, Đồng Nai, Long An đều tăng 20 – 30% theo năm. Điều này đến từ sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc cũng như EVFTA, nhu cầu cho đất công nghiệp cũng tăng trên cả nước. Báo cáo ghi nhận giá chào thuê đất KCN miền Bắc khoảng 1,8 triệu đồng/m2/chu kỳ thuê; miền Nam khoảng 1,7 triệu đồng/m2/chu kỳ thuê còn miền Trung thấp hơn, khoảng 768.000 đồng/m2/chu kỳ thuê.

Về con số lấp đầy, riêng trong quý IV/2020, các KCN miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt tỷ lệ trung bình 89,7%. Tương tự, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các tỉnh miền Nam (TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An) là 87%.

Theo Công ty tư vấn dịch vụ Bất động sản Colliers International tại Việt Nam, dấu hiệu sôi động thể hiện rõ nét ở phân khúc BĐS KCN trong năm 2020. Giá thuê KCN trung bình của TP HCM cao nhất cả nước, ở mức 3,8 triệu đồng/m2/chu kỳ thuê. Trong các địa phương phía Nam, Long An đang là tỉnh thu hút đầu tư FDI khá ấn tượng, bao gồm 1.079 dự án và mức vốn 6,6 tỷ USD (số liệu tháng 12/2020) và đang nổi lên như “đối thủ” của TP HCM trong phân khúc BĐS công nghiệp.

Bất động sản công nghiệp sống bền bỉ bất chấp đại dịch - Ảnh 1.

Thị trường KCN Hà Nội trong 2020. Nguồn: Colliers International tại Việt Nam

Các KCN tại Hà Nội cũng không chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, vẫn duy trì được hoạt động ổn định. Giá chào thuê trung bình và tỷ lệ lấp đầy vẫn ở mức tương đương so với quý III/2020. Đông Anh và Thạch Thất nhận được quan tâm nhiều nhất từ nhà đầu tư ngoại do phần lớn các khu công nghiệp trong khu vực đều tập trung tại hai quận này.

Thị trường triển vọng trong 2021, giá cho thuê có thể tiếp tục tăng

Ông Chí Vũ, Trưởng Bộ phận môi giới dịch vụ KCN, Colliers International cho biết BĐS công nghiệp là phân khúc hiếm hoi vẫn phát triển sôi động bất chấp đại dịch. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong năm 2021 khi Việt Nam liên tiếp có những tín hiệu vĩ mô rất tích cực. Việc hướng đến các mô hình quản trị thông minh hơn, tối ưu hóa nguồn lực hơn và góp phần đắc lực vào việc bảo vệ môi trường nên là ưu tiên của các nhà phát triển KCN trong thời gian tới.

Bất động sản công nghiệp sống bền bỉ bất chấp đại dịch - Ảnh 2.

BĐS KCN được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Ảnh: Lê Xuân

Còn Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) nhấn mạnh triển vọng tăng trưởng ngành BĐS KCN ngoài yếu tố dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam còn ở việc nhiều KCN được gia tăng diện tích, có thể lên tới trên 1.000 ha để đáp ứng nhu cầu. Các dự án cơ sở hạ tầng như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Bắc – Nam, cảng Cái Mép – Thị Vải và Gemalink có thể giúp kết nối thuận tiện hơn với KCN.

Trong năm 2021, giá đất KCN Việt Nam được SSI Research kỳ vọng tăng 7 – 8% khu vực phía Nam và 5 – 6% khu vực phía Bắc. Cũng lưu ý, giá cho thuê đất KCN tại Việt Nam thấp hơn khoảng 25 – 30% so với Indonesia và Thái Lan – các quốc gia hưởng lợi từ dòng vốn FDI. Do đó, các KCN với diện tích cho thuê còn lại lớn như Sonadezi Châu Đức, Idico, Becamex, Nam Tân Uyên (NTC) và Tổng công ty Kinh Bắc (KBC) được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2021.

Cùng quan điểm này, công ty chứng khoán BSC kỳ vọng năm nay, những dự án bị trì hoãn trong năm 2020 sẽ tiếp tục được triển khai, ngành BĐS KCN tăng trưởng mạnh sau thời gian dài bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Nổi bật là dự án sản xuất điện thoại di động tại KCN Bắc Ninh (100 ha) và Pegatron tại KCN Deep C Hải Phòng. Việc di dời chuỗi cung ứng được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu chính trong thời gian tới. Đồng thời, đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư của các công ty có dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc.

BSC cho rằng triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tích cực trong dài hạn. Các doanh nghiệp BĐS KCN có quỹ đất lớn sẵn sàng đón đầu cơ hội như Kinh Bắc (KBC), Becamex (BCM), Idico (IDC), KBC, BCM, IDC, Tập đoàn cao su (GVR), Cao su Phước Hòa (PHR)..

cafef.vn

Tham gia thảo luận

Compare listings

So sánh
Verified by MonsterInsights