Giá đất các huyện ven đô Hà Nội tăng chóng mặt

  • 4 năm trước
  • 0

Thông tin hàng loạt huyện ngoại thành sẽ lên quận đang là nguyên nhân chính thổi bùng cơn sốt đất mới trên diện rộng tại Hà Nội. Nhà đầu tư nếu muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư ngắn hạn cần hết sức cẩn trọng với các cơn sốt đất và rủi ro thanh khoản.

Giá đất các huyện ven đô Hà Nội tăng chóng mặt

Giá đất tại mặt đường lớn tại thị trấn Đông Anh có mức dao động lớn.

Thông tin hàng loạt huyện ngoại thành sẽ lên quận và việc công bố các đồ án quy hoạch đô thị đang là nguyên nhân chính thổi bùng cơn sốt đất mới trên diện rộng tại Hà Nội.

Theo đó, Hà Nội đặt kế hoạch đưa 5 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng lên quận trong 5 năm tới và thêm 3 huyện Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh vào giai đoạn 2026-2030.

Ngay khi thông tin nâng cấp một số huyện vùng ven lên quận, đất tại các khu vực này đã bắt đầu rục rịch tăng giá. Một số người dân địa phương cho biết, tính từ thời điểm bắt đầu có thông tin lên quận đến nay, giá đất tại các địa phương này liên tục tăng, một số khu vực hiện tại đã tăng gấp 2-3 lần so với khoảng 3 năm trước.

Trong số các địa phương sắp lên quận, Đông Anh là một trong những điểm “nóng” nhất về tăng giá đất. Theo ghi nhận của PV Nhadautu.vn, giá đất tại Đông Anh, Hà Nội, đã bị tăng giá từ 15 – 20%. Thậm chí một số khu vực còn bị đẩy giá tăng 50%.

Trao đổi với PV, một “cò đất” cho biết giá đất tại thôn Hải Bối, thôn Cổ Điển (xã Hải Bối, huyện Đông Anh) đã tăng gấp đôi so với đầu năm 2020. Đất chưa có sổ đỏ cũng tăng từ 5-10 triệu đồng/m2, lên 25-30 triệu đồng/m2. Đất thổ cư trong ngõ ô tô vào được cũng có mức giá 70-100 triệu đồng/m2, đất thổ cư ngõ nhỏ thì sẽ có giá 30-65 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, đất đấu giá ở gần trung tâm thị trấn Đông Anh dao động hơn 85 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/m2. Đất thổ cư dao động trong khoảng 120-150 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Giá đất các huyện ven đô Hà Nội tăng chóng mặt - Ảnh 1.
Đất ở mặt đường Lê Hữu Tựu cũng có giá khoảng 70 triệu đồng/m2.

Tiến dọc theo quốc lộ 3 về phía huyện Sóc Sơn từ thị trấn Đông Anh, đất ở mặt đường Lê Hữu Tựu cũng có giá khoảng 70 triệu đồng/m2.

Tại Vĩnh Ngọc, khu vực được coi là “đất vàng” của bất động sản Đông Anh, giá đất cũng tăng vọt từ 50-55 triệu đồng/m2, lên ngưỡng 80-100 triệu đồng/m2, ngang ngửa với các tuyến đường lớn trong trung tâm Hà Nội. Tương tự, tại các xã Tầm Xá, Nguyên Khê, giá đất cũng đã vượt qua ngưỡng 50 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, giá đất tại Đan Phượng có nơi cũng đã “nhảy vọt” lên hơn 90 triệu đồng/m2. Thời gian vừa qua, đất mặt đường quốc lộ 32 có giá dao động khoảng 80-90 triệu đồng/m2, giá đất mặt đường Phan Xích từ 90-95 triệu đồng/m2; một số nơi nằm ở trục đường 79 có giá từ 70-80 triệu đồng/m2.

Đáng chú ý, giá đất không chỉ tăng ở những vị trí gần mặt đường lớn, mà trong khu dân cư cũng ở mức cao, đặc biệt là tại thôn Thượng Hội (nơi tuyến đường mới được phê duyệt đi qua) ghi nhận mức 70-80 triệu đồng/m2, tùy vào từng vị trí. Các khu vực lân cận xã Tân Hội cũng tăng nhẹ về giá bán.

Hiện nay, giá đất cao nhất tại Đan Phượng thuộc khu vực mặt đường 32 phố Tây Sơn (thị trấn Phùng) với mức giá dao động trong khoảng 80-120 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Trong đó, khu vực cống mương đổ lại có giá 80-100 triệu đồng/m2, từ khu vực cống mương đến khu vực gần tượng đài có mức giá khoảng 120 triệu đồng/m2.

Giá đất các huyện ven đô Hà Nội tăng chóng mặt - Ảnh 2.
Giá đất tại nhiều địa phương cũng đang tăng trưởng “dựng đứng” trong 2 năm trở lại đây.

Tương tự tại khu vực đang được đầu tư nhiều dự án hạ tầng như Gia Lâm, giá đất cũng đang tăng trưởng “dựng đứng” trong 2 năm trở lại đây. Trong đó, giá đất tại thị trấn Trâu Quỳ hiện đang có mức giá khoảng 150-170 triệu đồng, hay đất tại các xã như: Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Đông Dư cũng rơi khoảng 40-50 triệu đồng/m2.

Tại Long Biên, giá đất thổ cư trong ngõ mặt tiền khoảng 3-5 m cũng dao động trong khoảng 50 – 70 triệu đồng/m2. Riêng đất mặt đường kinh doanh thì mức giá đã lên hơn 100 triệu đồng/m2.

Nhận định về bất động sản Gia Lâm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, mức tăng nhà ở tại khu vực Gia Lâm hiện nay là chấp nhận được, các nhà đầu tư mới vẫn có cơ hội tham gia vào thị trường bất động sản tại khu vực này. Bên cạnh đó, khu vực Gia Lâm đang nhận rất nhiều dự án bất động sản “khủng”, từ đó sẽ là động lực để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề cho sự phát triển bất động sản trong tương lai.

“So với mặt bằng chung của thị trường bất động sản, khu vực đất ở tại Gia Lâm tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây, song mức tăng hiện nay chưa có dấu hiệu sốt ảo hoặc tạo thành bong bóng bất động sản. Nên việc đầu tư là có tiềm năng”, ông Đính nói.

Trong khi đó, thông tin huyện Thanh Trì phấn đấu xây dựng kế hoạch lên quận vào năm 2023, thay vì năm 2025 như phê duyệt của Thành ủy Hà Nội cũng đã khiến giá đất nhiều khu vực tăng mạnh.

Hiện tại, khu vực có giá đất cao nhất là mặt đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển với mức giá dao động từ 70-100 triệu đồng/m2. Đất trong ngõ, ô tô đi vào được có giá khoảng 30-40 triệu đồng/m2. Còn đất ở xa trung tâm như tại Vạn Phúc, Đông Mỹ thì rẻ hơn, dao động khoảng 20-30 triệu đồng/m2.

Theo khảo sát, tại xã Ngũ Hiệp, một lô đất rộng 45 m2 mặt tiền kinh doanh đẹp đang được rao bán với giá 4,3 tỷ đồng (khoảng 95 triệu đồng/m2). Hay một lô khác ở Thịnh Liệt diện tích 57 m2 đang được rao bán với giá 4,35 tỷ đồng (hơn 76 triệu đồng/m2).

Ở những khu vực xa trung tâm huyện hơn như Nhị Châu, xã Liên Ninh giá đất rao bán dao động từ 18-40 triệu đồng/m2, tùy vị trí và diện tích. Hay ở Lạc Thị, giá đất dao động từ 25-57 triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư tại 5 quận chuẩn bị lên quận, đặc biệt là Gia Lâm, bà Đỗ Thu Hằng – Trưởng phòng nghiên cứu Savills Việt Nam cho biết trong bối cảnh đô thị hoá, đây chính là các thị trường có dư địa để phát triển và để Bất động sản tăng giá, nhiều hơn là các thị trường đã ổn định. Tuy nhiên, khi chọn mua nhà đầu tư nên lựa chọn những sản phẩm rõ ràng về pháp lý, có tiềm năng tăng giá.

cafef.vn

Tham gia thảo luận

Compare listings

So sánh
Verified by MonsterInsights