Trong số 15 dự án, có 8 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và điều chỉnh dự án đầu tư với số vốn đầu tư tăng thêm khoảng 23.145 tỉ đồng.
Chính quyền Tp.HCM vừa trao giấy phép đầu tư, chủ trương đầu tư cho 15 dự án của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, với tổng số vốn đầu tư gần 2,37 tỉ USD (khoảng 54.656 tỷ đồng).
Trong số các dự án này, đáng kể nhất là dự án Khu phức hợp thông minh – Thủ Thiêm Eco Smart City với tổng vốn đầu tư 20.100 tỷ đồng tại khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm do công ty Công ty Lotte Properties HCMC (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.
Một số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có vốn đầu tư lớn đã tăng vốn đầu tư dịp này, như: Dự án của Intel Việt Nam (Hoa Kỳ), tăng vốn 475 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Nipro Việt Nam (Nhật Bản), tăng vốn hơn 270 triệu USD; dự án Nhà máy sản xuất bánh kẹo và kem của Công ty CJ Việt Nam (Hàn Quốc), tăng vốn hơn 20 triệu USD…
Chính quyền Tp.HCM cũng trao chủ trương đầu tư cho 5 dự án với tổng vốn đầu tư gần 15.000 tỷ đồng. Trao giấy phép xây dựng một số dự án BĐS, trong đó có dự án chung cư Cô Giang (quận 1) với tổng vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng do Công ty cổ phần Phát triển Đất Việt làm chủ đầu tư…
Liên quan đến công tác cải thiện môi trường đầu tư, theo báo cáo, thời gian qua, Tổ công tác về đầu tư do UBND Tp.HCM thành lập, được nhìn nhận là mô hình sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Trong 3 năm, với 32 buổi làm việc, 110 dự án, lĩnh vực liên quan đến đầu tư trên địa bàn Thành phố đã được đưa vào chương trình làm việc của Tổ công tác. Nhiều “điểm nghẽn” quan trọng được tháo gỡ, nhiều dự án lớn, trọng điểm của thành phố tìm được “lời giải” cho những khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, có 18 nội dung liên quan đến 4 nhóm vấn đề chính đã được Tổ công tác kết luận chỉ đạo chung về mặt chủ trương, định hướng. Tổ công tác cũng đã kết luận hướng xử lý vướng mắc đối với 92 dự án (trong đó có 51 dự án bất động sản; 21 dự án liên quan đến phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông; 18 nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng xã hội, phục vụ người dân và 02 dự án liên quan đến hoạt động sản xuất). Ngoài ra, 108 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng được Tổ công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý.
Trong 92 dự án được Tổ công tác kết luận hướng xử lý vướng mắc nêu trên, hiện có 35 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 320.000 tỷ đồng, cơ bản thực hiện xong nội dung chỉ đạo, các khó khăn đã được tháo gỡ, đang triển khai thực hiện các bước đầu tư tiếp theo. 57 dự án cần đánh giá lại pháp lý, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lấy ý kiến hướng dẫn của các Bộ ngành hoặc xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để củng cố hồ sơ pháp lý, làm cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện dự án.