Dù nhiều lần được cảnh báo nhưng những dự án ma lại bùng phát như dịch bệnh với các hình thức ngày càng tinh vi.
Công an Tp.HCM vừa thông báo tìm nhóm khách hàng bị Trương Thanh Phong và đồng phạm chiếm đoạt tiền thông qua việc ký kết các hợp đồng góp vốn, đặt cọc chuyển nhượng đất nền tại các dự án ma.
Thông tin rao bán dự án ma xuất hiện trên các trang tin mua bán bất động sản
Cụ thể, nhóm đối tượng này đã lập các dự án không có thật, sau đó phân lô bán nền trên đất chưa được chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Thủ đoạn của các đối tượng này là thuê công ty đo vẽ sơ đồ phân lô thành nhiều nền đất, thuê công ty môi giới tìm kiếm khách hàng, quảng cáo gian dối, sau đó ký hợp đồng góp vốn, đặt cọc chuyển nhượng và chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Một số dự án ma do nhóm đối tượng này lập ra gồm: Dự án khu dân cư Bùi Thanh Khiết ở thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh), khu dân cư Gia Phát Riverside (trước đó là Bến Ngọc Riverside) tại xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn), khu dân cư Vạn Phú tại thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh), khu dân cư Võ Trần Chí tại phường Tân Tạo A (quận Bình Tân), khu dân cư Hưng Long tại xã Hưng Long (huyện Bình Chánh).
Trước đó, nhiều người dân tại TP.HCM cũng có đơn tố giác về việc CTCP Đầu tư xây dựng và Dịch vụ BĐS Vũ Gia Phát và CTCP BĐS Việt Á Châu có hành vi lừa đảo ký HĐ với nhiều khách hàng chuyển nhượng QSĐ thuộc các dự án có tên gọi là Gia Gia Phát Garden, dự án Khu dân cư New Star, Dragon Center tại huyện Hóc Môn. Cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM xác định đây là các dự án không có thật nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Một số địa phương dựng biển cảnh báo người dân không mua đất nền khi dự án không đủ tính pháp lý
Còn tại quận 9, TP.HCM, từ thực tế trong 2 năm xảy ra nhiều dự án phân lô, bán nền nằm trên giấy như đường Bưng Ông Thoàn (4 dự án), đường Nguyễn Xiển (3 dự án), đường Nguyễn Thị Tư (2 dự án)… Tại Q.9, còn có 3 công ty lén lút phân lô bán nền và “vẽ” dự án trên giấy cũng bị Phòng Quản lý đô thị quận này tập hợp hồ sơ chuyển cho cơ quan công an.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết các dự án ma được rao bán ồ ạt đến từ việc các đầu nậu, công ty bất động sản làm ăn bất chính. Vì vậy, để tránh sập bẫy dự án ma, khách hàng cần yêu cầu công ty đó cung cấp giấy tờ pháp lý dự án đã đủ điều kiện huy động vốn theo văn bản chấp thuận của Sở Xây dựng, kiểm tra có thế chấp ngân hàng…
“Người mua phải xuống thực tế dự án, đối chiếu với các thông tin quy hoạch, quyền sở hữu để đưa ra quyết định. Xuống thực tế dự án, khách hàng có thể xem chủ đầu tư đã hoàn thành các cơ sở hạ tầng dự án hay chưa và tới chính quyền địa phương để kiểm tra quy hoạch, pháp lý dự án đó” – ông Châu nói.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, để xảy ra tình trạng dự án ma là do quản lý lỏng lẻo. Người lỡ mua đất nền trong dự án ma thì nên hủy hợp đồng để đòi lại tiền. Nếu bên bán không trả tiền thì làm đơn gửi đến các cơ quan Nhà nước để được kiểm tra, xử lý và khởi kiện ra Tòa.
Trao đổi với DĐDN, Bộ Xây dựng thừa nhận: Nguyên nhân xảy ra tình trạng dự án ma chủ yếu do thông tin về quy hoạch, dự án… chưa được kịp thời, công khai, minh bạch dẫn đến một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để quảng bá, cung cấp thông tin sai sự thật nhằm trục lợi.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản để trình Chính phủ ban hành nhằm cung cấp thông tin công khai, minh bạch để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hạn chế tối đa các trường hợp cố tình vi phạm, lừa đảo.