Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, lướt sóng BĐS không phải ai cũng làm được. Cũng giống như chứng khoán, BĐS nếu vào ra không hợp lý sẽ kẹt lại. Đặc biệt với những NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, lòng tham quá lớn thì rủi ro sẽ cao.
Trong cuộc trao đổi mới đây về thị trường BĐS năm 2021, TS Sử Ngọc Khương đã có những chia sẻ về phân khúc đất nền – vốn là phân khúc mà trước đến nay NĐT khá chuộng trong danh mục đầu tư.
Khi được hỏi về dư địa phát triển của loại hình này trong năm 2021, TS Khương cho rằng, đất nền vẫn sẽ phát triển trong các năm tới, đây vẫn là phân khúc mà nhiều NĐT hướng tới. Trong đất nền có 2 nhóm là đất nền phân lô (cấp sổ đỏ đứng tên riêng) và đất nền dự án (mua bán thông qua hợp đồng, 2-3 năm sau xây dựng lên CĐT sẽ hoàn công và cấp sổ đỏ cho người mua).
Với đất nền Tp.HCM hiện tại giá đã cao, ở ngưỡng giá từ 50-60 triệu đồng/m2, theo ông Khương nhiều NĐT muốn mua đất nền TP nhưng không phải ai cũng mua được. Vì thế, BĐS các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu… là sự lựa chọn, các nơi này sự kết nối giao thông cũng ngày càng tốt.
“Có 2 tỉ đồng trong tay để mua căn hộ Tp.HCM không dễ, mua đất nền lại càng khó. Dòng tiền có xu hướng chảy về vùng ven. Thay vì gửi ngân hàng, nhiều người muốn có giá trị gia tăng từ đất”, TS Khương nhấn mạnh.
Theo TS Sử Ngọc Khương, không phải ai vào thị trường lướt sóng cũng được, nếu vào ra không hợp lý thì rất dễ mắc kẹt
Vị chuyên gia này cho rằng, tuy vậy, với phân khúc đất nền không phải ai cũng vào lướt sóng được. Nhiều người thấy một số khu vực nóng sốt theo hạ tầng quy hoạch, chính sách, trong thời gian ngắn tăng giá 30-50%, liền vào lướt sóng. Thế nhưng, cũng giống như chứng khoán, BĐS nếu vào ra không hợp sẽ mắc kẹt lại. Đặc biệt, với những NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, bán không được thì chuyện phải hạ giá để thu dòng tiền là câu chuyện thực tế.
“Tâm lý đám đông, lòng tham quá lớn chính là những rào cản dẫn đến sự thất bại của NĐT trong đầu tư BĐS. Trong đầu tư BĐS không phải ai cũng thắng, có thể NĐT trước thắng nhưng NĐT đi sau bị dính. Với đầu tư BĐS, NĐT phải cẩn trọng đánh giá, phải có tầm nhìn trung – dài hạn”, TS Khương chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, thực tế nhu cầu của người dân về đất nền còn khá lớn. Đất vẫn là tài sản mà nhiều người “găm giữ” làm tài sản. Tuy vậy, có một thực tế là tốc độ phát triển đô thị chưa kịp với giá BĐS (tức giá BĐS ở một vài khu vực tăng nhanh hơn tốc độ đô thị, hạ tầng xã hội). Nhiều NĐT họ vẫn muốn bán giá trị kì vọng trong tương lai của tài sản đó, đó là lý do giá nhà đất luôn tăng lên.
“Theo tôi, giá BĐS hiện nay cao so với thu nhập bình quân đầu người chứ không phải là cao do giá ảo. Điều quan trọng nhất là người mua biết cân đo về tài chính, hiểu rõ về tài sản, pháp lý…để quyết định xuống tiền”, TS nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Savills, khách quan mà nói, đất nền lúc nào cũng sinh lợi và dễ bán. Với nhà phố mua 10 tỉ để lên 15 tỉ hơi khó và lâu nhưng đất nền mua 1-2 tỉ đồng lên gấp đôi trong vòng vài ba năm là chuyện bình thường. Vì thực tế, đất nền có giá trị đầu tư cao, thanh khoản tốt, biên độ tăng giá tốt. Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng lưu ý NĐT trong việc chọn sản phẩm đầu tư, thay vì lướt sóng thì tốt nhất vẫn nên nhìn câu chuyện đầu tư BĐS trong trung – dài hạn.