TTO – Trước đề xuất xây khách sạn 8 tầng, 1 tum, cao bất thường 58m, của Công ty CP khách sạn Thắng Lợi, có nguy cơ lấn chiếm không gian hồ Tây, Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin hướng dẫn.
Khách sạn Thắng Lợi nằm trên khu đất vàng ven hồ Tây đang được đề xuất xây mới lại – Ảnh: A.T.
Khu đất đề xuất xây dựng dự án tại số 200 Yên Phụ, quận Tây Hồ, có tổng diện tích hơn 4,2ha, là khuôn viên của khách sạn Thắng Lợi hiện nay.
Năm 2017, Sở Tài nguyên và môi trường TP Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty CP khách sạn Thắng Lợi, trong đó có một phần đất là không gian mặt nước hồ Tây.
UBND TP Hà Nội cũng đồng ý chủ trương cho Công ty CP khách sạn Thắng Lợi thực hiện dự án đầu tư tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ và khách sạn tại khu đất 200 Yên Phụ, chiều cao công trình đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Thời gian qua, Công ty CP Khách sạn Thắng Lợi đã thuê Công ty TNHH Tư vấn P&T Việt Nam lập bản vẽ tổng thể mặt bằng, phương án kiến trúc dự án tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ và khách sạn trên khu đất 200 đường Yên Phụ, quận Tây Hồ.
Điều bất thường trong phương án kiến trúc do Công ty TNHH Tư vấn P&T Việt Nam lập là công trình tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn 8 tầng, 1 tum, có chiều cao lên tới 58m. Chiều cao trung bình mỗi tầng của tổ hợp khách sạn khoảng 7m.
Bên cạnh đó, Công ty CP khách sạn Thắng Lợi cũng gửi văn bản đề xuất TP Hà Nội điều chỉnh cục bộ chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại khu đất dự án số 200 Yên Phụ với các nội dụng: đất xây dựng công trình khoảng 2,1ha, mật độ xây dựng khối đế 55,3%, mật độ xây dựng khối tháp 20,3%, công trình từ 1-8 tầng, 5 tầng hầm, tổng chiều cao công trình 58m.
Trong khi đó, theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, khu đất này không được phép xây dựng công trình cao tầng và các hoạt động lấn chiếm không gian hồ Tây.
Một phần khách sạn Thắng Lợi nằm trên mặt hồ Tây hiện nay – Ảnh: A.R.
Theo quy chuẩn quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời, được Bộ Xây dựng ban hành vào năm 2018, nhà cao tầng là nhà có chiều cao từ 8 tầng trở lên, chiều cao công trình từ 28m trở lên, đồng thời tiêu chuẩn quốc gia nhà ở và công trình công cộng quy định chiều cao tối thiểu một tầng từ 3-3,6m.
Trong văn bản trả lời Sở Quy hoạch và kiến trúc TP Hà Nội mới đây, Bộ Xây dựng khẳng định nhà cao tầng là ngôi nhà mà chiều cao của nó là yếu tố quyết định các điều kiện thiết kế, thi công hoặc sử dụng khác với ngôi nhà thông thường.
Bộ Xây dựng nhấn mạnh việc xác định chiều cao các công trình nói chung, tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ và khách sạn nói riêng, phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong đồ án quy hoạch chi tiết (hoặc tổng mặt bằng), thiết kế đô thị hoặc quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, trên nguyên tắc phù hợp các mục tiêu quản lý kiến trúc cảnh quan theo đặc thù từng đô thị, từng khu vực của đô thị; đảm bảo các yêu cầu quản lý về quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng, không gian, kiến trúc, cảnh quan và độ cao tĩnh không được phép xây dựng.
Trước đó, năm 2018 Công ty CP Khách sạn Thắng Lợi đã đề xuất xây trung tâm thương mại 36 tầng trên khu đất 200 Yên Phụ và giữ nguyên khối nhà cao từ 1-3 tầng trên mặt nước hồ Tây để khai thác.
Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội không đồng ý với phương án này vì đây là khu vực không cho phép xây dựng công trình cao tầng và các hoạt động lấn chiếm không gian Hồ Tây theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt.