TTO – Như Tuổi Trẻ ngày 4-1 đã phản ánh, nhiều đồi chè ở TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã được phân lô và gắn tên ‘dự án bất động sản’ để rao bán dù nơi này cho đến hiện tại vẫn là đất nông nghiệp.
Khu đất nông nghiệp được làm đường lớn đủ xe tải chạy hai chiều, có hệ thống thoát nước và đang thảm nhựa – Ảnh: M.VINH
Làm trước, xin sau
Đồi chè ô long nằm cạnh hồ thủy lợi thôn 12, xã Đam B’ri từng là điểm tham quan thu hút nhiều du khách khi đến Bảo Lộc hiện đã bị chia thành tám lô lớn nhỏ. Chủ sở hữu đồi chè này gồm bốn thửa với tổng diện tích gần 10ha là bà T., ngụ tại TP Đà Lạt.
Ngày 18-11-2020, bà T. có đơn gửi UBND xã Đam B’ri xin hiến đất làm đường đi chung với lý do “để thuận tiện trong việc canh tác, sản xuất cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại cho các hộ sản xuất xung quanh”.
Đơn xin mở đường do bà T. đứng tên nhưng người ký lại là một người khác và con đường trong đơn cũng không được mô tả nằm ở đâu, diện tích đất hiến bao nhiêu. Tuy vậy, đơn vẫn được UBND xã ký xác nhận để chuyển các cấp xem xét.
Một cán bộ UBND xã Đam B’ri nói “việc họ mở đường là để phục vụ sản xuất nông nghiệp và đều có đơn xin phép hiến đất làm đường”. Cán bộ này cung cấp sáu đơn xin hiến đất, mở đường tại các thửa đất nông nghiệp trên địa bàn xã Đam B’ri.
Các đơn này đều không rõ ràng về hướng tuyến, chiều dài, chiều rộng của con đường định mở nhưng vẫn được ký xác nhận. UBND xã Đam B’ri cho rằng đã kiểm tra tại tất cả các khu đất san gạt, phân lô mở đường và đây đều là đường phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, hoạt động sản xuất tại các đồi chè nói trên đều đã ngưng trệ, những gốc chè ô long đã bị đào lên bỏ chỏng chơ.
Đối chiếu mốc thời gian trên các bản trích đo chỉnh lý các thửa đất nông nghiệp từ Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng với đơn xin hiến đất và nhiều người dân tại chỗ xác nhận các tuyến đường đều đã được mở trước khi đơn xin hiến đất làm đường được gửi tới cơ quan chức năng, tức đường đã hoàn thiện trước khi chủ đất “xin” mở đường.
Ông Nguyễn Văn Hán – chủ tịch UBND xã Đam B’ri – cho biết: “Hầu hết các hộ dân, cá nhân mở đường, phân lô đều không có kế hoạch và xã cũng không đủ thẩm quyền cho phép. Khi mở đường vào các khu đất, người dân không thông qua xã.
Hầu hết các vị trí san gạt, mở đường, phân lô khi phát hiện xã đều kiểm tra và lập biên bản ghi nhận hiện trạng, báo cáo cấp trên chờ xử lý”.
Gom đất lập “dự án chui”
“Bán đất sào, view rừng thông” – một dự án tự phát quảng cáo. Trên hiện trạng, khu đất nằm sát rừng thông và đường nhựa khoảng 6m đã làm tới tận nơi, từng lô 1.000m2 đã có mốc.
Người môi giới để lại số điện thoại trên một biển hiệu to nhưng không xuất hiện, chỉ trả lời khách qua điện thoại và cam kết: “Thông tin nội bộ là tháng 4 năm 2021 sẽ chuyển được xây dựng. Giờ anh mua mà cần làm nhà thì em bao. Nước máy chưa có, dùng giếng khoan cũng tốt lắm. Bọn em có 26 lô, bán hết 15 lô nhỏ rồi”.
Chúng tôi thắc mắc: “Thấy đồ họa đẹp quá nên vào xem, vào chỉ thấy có cái đường nhựa cạnh rừng thông, sao chắc chắn mà chồng tiền?”.
Người bán trả lời: “Làm thế cho dễ hình dung, cái sổ đỏ quan trọng chứ quan trọng gì mấy chuyện anh nói. Đất đây cũng là đất của dân, bọn em phân lô, lập “dự án” cho dễ bán. Đất Bảo Lộc đang vào giai đoạn hot, anh hốt chỉ có lời thôi”.
Tại một “dự án” khác trên tuyến đường Lý Thái Tổ dẫn vào thác Đam B’ri và vùng trồng chè, cà phê lớn nhất của Bảo Lộc, xe hơi biển số tỉnh vào ra rất đông dù đang giữa trưa, “nhân viên bán hàng” chèo kéo khách ngay dọc đường vào khu đất.
Chúng tôi thắc mắc “dự án nhà ở” tại sao còn là đất nông nghiệp, tên chủ đất khác nhau trên các sổ đỏ. “Nhân viên bán hàng” trấn an: “Em bán bao nhiêu khu ở đây có cái giấy phép dự án nào đâu anh. Em nói thiệt, chỉ cần có sổ đỏ là chắc chắn rồi.
Lát em gửi sổ đỏ mẫu cho anh. Bên em tổ chức dự án, chủ đầu tư có đất thì góp vô. Bọn em “chạy” làm đường, tách thửa rồi bán. Anh chịu là sẽ có chủ đất ra công chứng với anh”. Các sổ đỏ chúng tôi nhận được qua tin nhắn đa số là sổ đất nông nghiệp.
Điểm chung của các “dự án bất động sản” mọc lên trên nền đồi chè ở TP Bảo Lộc và một số vùng lân cận được khởi đầu bằng việc hiến đất mở đường để phục vụ sản xuất.
Và cái kết của những đơn xin hiến đất mở đường là đồi chè bị xới tung, đất nông nghiệp được phân lô rao bán.
Làm rõ tính hợp lý của đường trên đất nông nghiệp
Tại cuộc họp sáng 6-1, ông Trần Văn Hiệp – chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – cho rằng các huyện và thành phố chưa thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm các nhiệm vụ cấp trên giao, thể hiện ở việc phân lô bán nền dưới hình thức hiến đất làm đường dẫn đến băm nát các vườn trà, vườn cà phê.
Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với Sở GTVT, Sở NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức kiểm tra “làm rõ tính phù hợp của việc mở các tuyến đường trên đất nông nghiệp để phân lô, tách thửa” trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Lâm Hà, Di Linh…