TTO – Và khi bước sang con dốc bên kia đời người, căn nhà ấm áp luôn tạo sự chở che do chính tay tôi thiết kế 20 năm trước vẫn đem lại đúng hai chữ ‘bình yên’ để tôi luôn muốn quay về…
Cửa chính, nơi đón gió và nắng sáng
Hơn 20 năm trước, có lần đọc thấy ý kiến của một kiến trúc sư trên một tờ báo, đại khái khi làm nhà phải biết cái nhà đó mục đích chính là gì để có thiết kế phù hợp. Ví dụ nhà chỉ để ở sẽ khác với nhà làm văn phòng, nhà để kinh doanh buôn bán, nhà đa mục đích.
Rồi người ở trong nhà gồm những ai, nhà một mình khác nhà có người già, trẻ con, hay nhà có người bệnh. Rồi nhà hướng nào để thiết kế sao đón đủ gió Nam, hay tránh nắng Tây. Cả hàng núi chữ “rồi” phải tính toán trước vì có khi cả đời người chỉ làm nhà có một lần…
Tôi may mắn có miếng đất nhỏ ba má chia cho ở vùng ven Thủ Đức. May mắn thứ hai là do độc thân nên làm nhà thế nào tôi tự quyết theo ý thích của mình, nhiều người mất công… bối rối. May mắn thứ ba là được vay tín chấp trả dần hằng tháng trong bảy năm. Và may mắn nữa là được bạn là kỹ sư xây dựng nhận xây giùm, tôi chỉ lo vật tư.
Nhà tôi chỉ với một mục đích duy nhất – đó là mái nhà để tôi luôn muốn quay về chỉ để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mỏi mệt, kẹt xe, mắc mưa ướt nhẹp hay một chuyến “giang hồ” chân mỏi gối chùn. Chính vì vậy khi thiết kế căn nhà tôi chỉ xây vỏn vẹn 88m2 (diện tích xây dựng) với 44m2 sàn, 44m2 lầu.
Tầng lầu sau khi đổ bêtông lợp ngói lên trên, tường xây 20cm nên rất mát về mùa nắng và ấm áp vào mùa mưa.
Bìm bìm leo lên luôn mái ngói
Các khung cửa đủ màu sắc của cây lá và hoa
Tầng trệt gồm phòng khách phía trước, phía sau là bếp ăn và phòng vệ sinh. Phòng khách bố trí cho vui mắt chứ không bề thế, nhà bếp thì nhiều cửa sổ mở ra vườn đầy gió.
Riêng phòng vệ sinh, tránh tù túng và kỵ để đủ thứ thau, xô, cây lau nhà… nên tôi thiết kế có cửa sổ thoáng mát, bên dưới là bồn tắm và bố trí tối giản để thoáng mát và thật sạch.
Trên lầu có phòng đọc sách và phòng ngủ. Vì lúc trẻ tôi mua sách báo đọc khá nhiều nên phòng đọc sách rộng hơn, có bàn làm việc cạnh những kệ sách là chính. Phòng có hai cửa lớn mở ra bancông phía trước và bên hông đều nhìn xuống vườn.
Điểm nhấn của căn nhà mà người thân và bạn bè thích là phòng ngủ có hai cửa sổ mở ra vườn. Sàn là gỗ sồi ghép, trải thảm ra là ngủ. Bốn vách và nóc đều ốp gỗ thông. Có cả một lò sưởi đốt củi vì quanh nhà là vườn cây, khá lạnh vào những đêm mưa dầm cuối mùa.
Góc phòng là cái võng giăng sẵn vừa tầm nhìn với cái tivi góc đối diện để khi mệt mỏi, có chỗ sà ngay xuống đong đưa quên… sự đời. Nhiều khoảng tường tôi cho dán gạch chịu lửa để không mất công sơn tới sơn lui khi màu sơn xuống cấp.
Cửa sổ phòng ngủ gỗ thông nhìn ra sau vườn
Phòng khách “dụ” con nít
Chiếc võng vải bố ở góc phòng ngủ. Đống củi ở góc phòng có khúc cây xà cừ làm kỷ niệm lượm từ đường Tôn Đức Thắng khi những hàng cây ở đó bị cưa bỏ
Gần 200m2 đất còn lại, ngoài cây ngọc lan, cây mận, cây thị do má tôi trồng có tuổi thọ hơn nửa thế kỷ, tôi trồng thêm hoa trái và làm một hồ cá nhỏ ở góc vườn để bầy bồ câu có chỗ uống nước.
Mỗi sáng tôi đều dành hơn nửa tiếng trước khi đi làm để vừa ngồi nhâm nhi tách cà phê nóng tự pha dưới cây ngọc lan trước nhà, vừa thả lúa cho bồ câu sà xuống ăn.
Buổi tối về nhà sau giờ tan sở, tôi không phải làm… nô lệ cho căn nhà khi cứ phải quét lau dọn dẹp bù đầu cổ mà chỉ tự nấu cho mình những món mình thích rồi lên căn phòng ngủ thơm mùi gỗ thông đọc sách báo, xem phim hoặc tán dóc trên mạng với bạn bè trước khi ngủ để hôm sau lại bắt đầu một ngày mưu sinh vất vả.
Đàn bồ câu nuôi thả tự do
Tự tay gieo lúa lên mạ làm tiểu cảnh quanh vườn ngày Tết
Nhà luôn đủ đồ nghề để ngày nghỉ đóng vài cái ghế bệt cho bạn bè, người thân
Kiếp nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày tôi không mong mỏi gì hơn hai chữ “bình yên”.
Và khi bước sang con dốc bên kia đời người, căn nhà ấm áp luôn tạo sự chở che do chính tay tôi thiết kế 20 năm trước vẫn đem lại đúng hai chữ này để tôi luôn muốn quay về trong suốt chặng đời đầy thăng trầm của chính mình.
Trao giải cuộc thi “Nhà tôi – Mái ấm”: Thông điệp về gia đình rất đáng quý
Trong khuôn khổ chương trình Kết nối 2021 – mừng sinh nhật lần thứ 18 của Tuổi Trẻ Online (1-12-2003 – 1-12-2021) ngày 30-11, báo Tuổi Trẻ đã trao giải thưởng cuộc thi “Nhà tôi – Mái ấm” do báo Tuổi Trẻ và Công ty ximăng INSEE tổ chức.
Ông Bruno Fux, giám đốc Ecocycle và Phát triển bền vững INSEE Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phát biểu tại lễ trao giải, KTS Trần Lê Quốc Bình, đại diện Ban giám khảo cuộc thi và ông Bruno Fux – giám đốc Ecocycle và phát triển bền vững INSEE Việt Nam đều cho rằng cuộc thi “Nhà tôi – Mái ấm” đã tạo ra một sân chơi và “đồng hành” để bạn đọc có thể chia sẻ những cảm xúc về ngôi nhà, ý tưởng ấp ủ về không gian sống của chính mình, cũng như kích thích sự sáng tạo trong việc xây dựng không gian sống đáng mơ ước…
Từ khi phát động, ngày 18-10 đến ngày 25-11, dù cả nước đã và đang trải qua quãng thời gian đầy khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng ngoài sự mong đợi, Ban tổ chức cuộc thi vẫn nhận được gần 360 bài dự thi, trong đó 40 bài được chọn đăng trên Tuổi Trẻ Online, báo in và 12 bài vào chung khảo.
Kết quả, Ban giám khảo đã trao 5 giải khuyến khích, 1 giải ba, 1 giải nhì và giải nhất. Trong đó, giải ba được trao cho tác giả Hà Vân Anh với tác phẩm “‘Biến’ nhà thuê trọ thành tổ ấm lãng mạn”. Giải nhì tác giả Quỳnh Như với tác phẩm “Bancông xanh – khoảng trời nhỏ bình yên của gia đình tôi”.
Giải nhất cuộc thi thuộc về tác giả Lương Bích Thủy với tác phẩm “Sân nhà của miền xanh và nắng ngời”.
Ông Bruno Fux, đại diện Công ty ximăng INSEE và tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ trao giải nhất cho tác giả Lương Bích Thủy – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chia sẻ cảm xúc khi nhận giải thưởng cao nhất, tác giả Lương Bích Thủy nói chị tham gia cuộc thi vì thấy chủ đề rất hay và gần gũi với cuộc sống. Bài viết cũng là một cách để chị thể hiện tình yêu thương của mình đối với cha mẹ, các con cũng như gửi gắm, chia sẻ tình cảm của mình với bạn đọc Tuổi Trẻ Online…
Sinh sống trong đại gia đình 3 thế hệ nên với chị, chủ đề cuộc thi mang cảm xúc rất mạnh mẽ và chị như bật ra tất cả tình cảm của mình: “Trải qua thời gian dịch bệnh mới thấy gia đình là tất cả. Không chỉ là nơi chốn đi về mà ở đó còn là trách nhiệm, trách nhiệm của mình với gia đình, với cha mẹ, con cái.
Một ngôi nhà vì thế không đơn thuần là nơi ở mà là mái ấm, để sau thời gian bận rộn, vội vàng, ăn cũng vội, những lời dặn dò con cũng vội… lại là nơi gắn kết yêu thương và lưu giữ nhiều khoảnh khắc bình dị và ấm cúng, nhắc nhớ bước chân mình quay về mỗi bận đi xa”…
KTS Trần Lê Quốc Bình và ông Đào Nguyên Khánh, trưởng Phòng tiếp thị & truyền thông doanh nghiệp Công ty ximăng INSEE trao giải khuyến khích cho 2 tác giả Nguyễn Xuân Nam và Đinh Thị Hội – Ảnh: QUANG ĐỊNH