Nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí nên nhiều dự án nhà ở xã hội không thể triển khai thực hiện.
Bộ Xây dựng cho biết, nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua Nhà ở xã hội vẫn còn thiếu so với nhu cầu.
Số liệu báo cáo cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho nhu cầu vốn hỗ trợ Nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 là 18.977,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội là 9.000 tỷ đồng; vốn cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại hỗ trợ cho vay Nhà ở xã hội là 9.977,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội mới phân bổ 2.163 tỷ đồng, chỉ đạt 24% so với nhu cầu giai đoạn 2016-2020. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định cũng chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay đối với Nhà ở xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn 2016-2020, chưa có chủ đầu tư dự án Nhà ở xã hội nào được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Về nguồn vốn cho Nhà ở xã hội, mới đây Tập đoàn Apec Group đã kiến nghị về 4 giải pháp thu hút nguồn vốn xã hội để có thể xây dựng 6-10 triệu căn Nhà ở xã hội trong giai đoạn sắp tới.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần có quy định để tách nhà ở xã hội ra khỏi room bất động sản. Vì Nhà ở xã hội là nhóm ngành có mức độ rủi ro thấp, nhu cầu lớn, không là nguyên nhân gây bong bóng bất động sản.Thực tế phải coi Nhà ở xã hội như một ngành đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội. Chính sách này sẽ nâng hạn mức tín dụng cho vay, từ đó các ngân hàng thương mại sẽ có các chính sách ưu tiên về nguồn vốn vay và chính sách lãi suất hấp dẫn cho cả nhà phát triển Nhà ở xã hội cũng như các đối tượng để mua nhà.
Thứ hai, Chính phủ xem xét tạo cơ chế cho phép các tỉnh, thành phố được ưu tiên một phần vốn ngân sách của địa phương để cấp bù lãi suất cho vay thương mại mua Nhà ở xã hội xuống mức 3 – 4% giúp tăng giá trị đồng vốn và tạo nguồn lực cho mua Nhà ở xã hội. Mặc dù đây không phải là chính sách tiên quyết nhưng khi có chính sách này cũng sẽ thúc đẩy cho sự phát triển của NƠXH.
Thứ ba, Chính phủ xem xét có cơ chế cho doanh nghiệp đầu tư làm Nhà ở xã hội có thể IPO ngay trên thị trường chứng khoán để tận dụng nguồn vốn của xã hội, nguồn vốn xanh. Cơ chế này tương tự như với loại hình doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Thứ năm, Chính phủ, Bộ tài chính tạo các diễn đàn, hội nghị để hỗ trợ giới thiệu doanh nghiệp tiếp xúc và làm việc cùng các định chế tài chính trong và ngoài nước như Worldbank, IFC, Ngân Hàng Chính Sách để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho phát triển (dưới 3%/năm).
Nói thêm về giải pháp giúp APEC thực hiện hoá mục tiêu thực hiện đề án Nhà ở xã hội 5 sao, TS. Cấn Văn Lực cho hay, việc phát hành trái phiếu xanh, huy động các nguồn vốn từ trong cộng đồng, xã hội để phát triển Nhà ở xã hội là một hướng đi đúng đắn mà các doanh nghiệp có thể triển khai để gia tăng nguồn vốn.
“Đồng thời cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, Nhà nước và sự đồng thuận của xã hội. Nhà nước tháo gỡ về quỹ đất, cơ chế chính sách và các kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp làm nhà ở thường vì lợi nhuận, còn như APEC GROUP làm vì cộng đồng thì cần phải có sự đồng thuận của Nhà nước”, ông Lực nhận định.
Tiến sĩ Tiến sĩ Vũ Đình Ánh bày tỏ, trong thời gian qua chúng ta tập trung phát triển Nhà ở xã hội nhưng vốn sạch, nguồn vốn rẻ chưa đáp ứng được nhu cầu. “Tôi cho rằng cần đa dạng hóa nguồn vốn cho Nhà ở xã hội. Vốn giá rẻ là tổng hợp tất cả các nguồn vốn nhưng hiện nay, câu chuyện quỹ tín thác vẫn chưa hoàn thiện”.
“Trái phiếu xanh, tín dụng xanh là câu chuyện chúng ta cần phải tận dụng, không chỉ từ nguồn vốn trong nước mà nguồn vốn quốc tế. Chúng ta phải tiếp cận được nguồn vốn rẻ nhất thì mới có thể xây dựng được những căn hộ giá rẻ đáp ứng nhu cầu xã hội”,đồng thời, Nhà nước nên bỏ quy định chỉ cho phép chủ đầu tư Nhà ở xã hội chỉ được hưởng biên lợi nhuận tối đa 10% trên tổng chi phí đầu tư, ông Ánh nhận định.