TTO – Khu du lịch Vũng Tàu Paradise là một trong những dự án có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Dự án này đã hết hạn đầu tư từ năm 2018 nhưng đến nay việc xử lý còn nhiều vướng mắc.
Cổng chính vào dự án Vũng Tàu Paradise, mặt giáp đường Nguyễn An Ninh, hướng ra đường Thùy Vân, Bãi Sau – Ảnh: ĐÔNG HÀ
Tháng 4-1991, Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và đầu tư) cấp phép cho Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise đầu tư dự án du lịch trên khu đất rộng 220ha ở phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu.
Liên doanh này được thành lập bởi Công ty du lịch quốc tế Vũng Tàu (Việt Nam) và Công ty Paradise Development and Investment (Đài Loan). Tháng 6-1993, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có quyết định giao đất cho công ty của Việt Nam để góp vốn với đối tác Đài Loan.
Khu đất giao cho liên doanh trên để làm dự án có vị trí “vàng”, “kim cương”, nhất là trong bối cảnh TP Vũng Tàu hầu như không còn những mảnh đất đủ rộng, lại nằm sát biển để làm những dự án du lịch có sức hút cho cả ngành du lịch của địa phương này.
Toàn cảnh dự án Vũng Tàu Paradise nhìn từ phía giáp đường 3 Tháng 2 – Ảnh: ĐÔNG HÀ
Bao giờ quyết định?
Từ năm 2015, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chuẩn bị cho việc thu hồi đất của dự án theo diện giấy phép hết hạn và cũng có chủ trương về việc sử dụng đất sau khi thu hồi.
Ban thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu thống nhất chủ trương “chấm dứt hoạt động của dự án khi hết hạn đầu tư”. Đồng thời, cho chủ trương làm dự án du lịch tầm cỡ quốc tế, có sức bật, mang tính “đòn bẩy” cho cả ngành du lịch của tỉnh này.
Tháng 12-2016, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành quyết định thu hồi 220ha đất của dự án Vũng Tàu Paradise để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh này quản lý. Lý do thu hồi là hết thời hạn sử dụng đất để góp vốn trong liên doanh với nước ngoài, không được gia hạn.
Tuy nhiên, sau đó, bộ, ngành và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định tháng 6-1993, liên doanh Vũng Tàu Paradise mới nhận bàn giao đất trên thực địa nên thời hạn sử dụng đất của dự án sẽ kết thúc vào tháng 6-2018. Nhưng đến nay, “số phận” khu đất vàng của liên doanh Vũng Tàu Paradise vẫn chưa được quyết định.
Hơn nữa, sau khi xác định lại thì thẩm quyền xử lý dự án thuộc về Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và đầu tư. Bởi giấy phép dự án do Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp và đất dự án được chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giao.
Sân golf là thu nhập chính của dự án Vũng Tàu Paradise – Ảnh: ĐÔNG HÀ
Thu hồi đấu giá hay gia hạn thời gian giao đất?
Theo tìm hiểu, suốt cả “quãng đời” 25 năm của mình, Vũng Tàu Paradise kinh doanh không hiệu quả. Tính đến tháng 12-2017, liên doanh này lỗ lũy kế hơn 87 tỉ đồng. Doanh thu của dự án cũng chủ yếu dựa vào sân golf, với khoảng 80%.
Từ năm 1995 đến đầu 2020, liên doanh này nộp vào ngân sách nhà nước gần 250 tỉ đồng tiền thuế. Về sử dụng đất, cả dự án rộng 220ha nhưng chỉ có sân golf và nhà rông rộng hơn 140ha là được sử dụng, còn lại 80ha bỏ hoang trong một thời gian dài.
Đây cũng là một trong những lý do quan trọng để tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thống nhất chủ trương “thu hồi đất”, “không gia hạn dự án”. Tuy nhiên như đã nói, thẩm quyền quyết định số phận của dự án Vũng Tàu Paradise không thuộc địa phương.
Về phía doanh nghiệp, đầu năm 2019, hai bên của liên doanh đã họp và thống nhất sẽ cơ cấu lại Vũng Tàu Paradise. Đồng thời có đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xin tiếp tục thực hiện dự án với thời hạn 50 năm.
Về xử lý dự án này, hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng nên cho phép nhà đầu tư hiện tại tiếp tục thuê đất không qua đấu giá và tiền thuê đất tính theo khung giá hiện hành.
Tuy nhiên, lại phát sinh vướng mắc là chủ thể của dự án hiện nay không còn vì Công ty du lịch quốc tế Vũng Tàu đã cổ phần hóa, Nhà nước không còn nắm chủ sở hữu. Ý kiến khác đề xuất thu hồi đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nhưng lại nảy sinh vướng mắc xử lý tài sản trên đất là sân golf.
Tính từ tháng 6-2018 (thời điểm dự án hết hạn thuê đất 25 năm theo giấy phép và biên bản bàn giao đất) đến nay, theo cơ quan thuế, Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise nợ gần 800 tỉ đồng tiền thuê đất và tiền phạt nộp chậm.
Phía doanh nghiệp cho rằng cơ quan thuế tính tiền thuê đất cho toàn bộ diện tích 220ha là không phù hợp và đề nghị xem xét lại. Còn ngành chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng không thể tính tiền thuê đất cho những phần đất đang sử dụng thực tế mà phải tính toàn bộ diện tích đất đã giao cho thuê.