Trong lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội vẫn phức tạp, cùng với trào lưu bỏ phố về quê, về rừng, làn sóng rủ nhau mua chung đất, xây nhà, tận hưởng không gian cùng nhau bắt đầu nở rộ.
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tới nay, xu hướng “bỏ phố về quê” làm homestay, farmstay nở rộ khắp nơi. Đặc biệt, ở bối cảnh hiện tại khi tình hình dịch vẫn còn phức tạp và bùng phát ở nhiều tỉnh thành, thì người dân Hà Nội vẫn rầm rộ kéo về các vùng ven nơi có nhiều quỹ đất rộng, không khí trong lành, gần gũi với thiên nhiên và có mức giá rẻ như Ba Vì, Sóc Sơn, Hòa Bình,… mua đất để xây dựng ngôi nhà thứ 2.
Đáng chú ý, nếu trước kia xu hướng này thường chỉ có các cá nhân tự phát. Thì nay, nhiều gia đình tại Hà Nội lại muốn tạo thành cộng đồng, rủ nhau mua đất chung, xây nhà, tận hưởng không gian trong lành cùng nhau.
Anh Nguyễn Hải (hiện đang sinh sống tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hiện nay gia đình anh và một số người bạn đang “săn” đất rộng tại vùng ven Hà Nội để cùng nhau “lập làng nghỉ dưỡng”.
“Tôi cùng nhóm bạn đang tìm mua một mảnh đất rộng sau đó chúng tôi chia ra rồi xây nhà để nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần. Hơn nữa, trong lúc dịch bệnh vẫn phức tạp thế này nếu trường hợp Hà Nội có phong tỏa giống như các lần trước thì tôi có thể về ngôi nhà thứ 2 trú ngụ, vừa có không khí trong lành lại không bị gò bó giống như ở trung tâm Hà Nội”, anh Hải chia sẻ.
Theo anh Hải, ý tưởng rủ bạn bè mua đất chung để xây nhà xuất phát từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát và Thủ đô thực hiện giãn cách. Trong hơn 2 tháng giãn cách đó, chỉ quanh quẩn với 4 bức tường khiến gia đình anh cảm thấy bức bối.
“Thời gian chỉ quanh quẩn trong nhà khiến tôi cảm thấy trong người không được thoải mái. Nhóm bạn của tôi vốn chơi cùng nhau từ lâu nên khi tôi đề xuất mọi người đều tán thưởng. Tôi còn thấy trên các hội nhóm ở Facebook mọi người còn rủ người lạ mua đất lập thành làng nhưng tôi thấy không yên tâm khi sống cùng những người mà mình chưa quen biết từ trước”, người đàn ông này nói.
Anh Hải cho rằng, việc tạo lập thành cộng đồng rủ nhau mua chung đất xây nhà sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với việc một gia đình mua quỹ đất rộng từ 1.000 – 2.000m2.
“Đơn cử, nếu mua một mảnh đất rộng khoảng 2.000m2 với mức giá khoảng 1,5 triệu đồng/m2, tổng giá trị mảnh đất là 3 tỷ đồng. Trong nhóm của tôi có 5 gia đình, chia mảnh đất đó ra mỗi gia đình có 400m2 để xây dựng nhà và trồng cây. Tính ra, nguyên tiền mua đất mỗi gia đình sẽ bỏ ra khoảng 600 triệu đồng, còn chi phí xây dựng sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi gia đình. Theo tôi tính như vậy vẫn rẻ mà nhu cầu của chúng tôi cũng không cần sử dụng quỹ đất quá rộng”, anh Hải tính toán.
Theo anh Bôn – môi giới bất động sản tại Hòa Bình cho biết, thực tế việc nhiều gia đình ru nhau mua chung đất “lập làng nghỉ dưỡng” vốn không phải mới đây mới xuất mà đã có từ đợt dịch lần thứ 2 bùng phát (khoảng tháng 8/2020).
“Đất tại Hòa Bình vẫn còn rẻ và có nhiều quỹ đất rộng nên hình thức này đã được các gia đình ở Hà Nội về đây triển khai từ năm ngoái. Tôi cũng đã bán đất cho nhiều nhóm mua chung để xây nhà như vậy. Mua chung sẽ tiết kiệm chi phí, hơn nữa khi tạo được cộng đồng sẽ giúp duy trì hình thức này được lâu dài hơn”, anh Bôn khẳng định.
Tạo được cộng đồng sẽ giúp hình thức bỏ phố về quê duy trì được lâu dài.
Theo anh Bôn, việc đơn lẻ các gia đình “bỏ phố về quê” xây dựng ngôi nhà thứ 2 không thể phủ nhận những điều tích cực của hình thức này. Nhưng sẽ có hạn chế, khi chỉ có một gia đình sống giữa khu đất rộng mênh sẽ rất dễ dẫn tới cảm giác nhàm chán, điều này khiến xảy ra tình trạng nhiều nhà đầu tư chỉ sử dụng được một thời gian rồi bán vội.
Tuy nhiên, để tránh rủi ro khi mua đất chung người môi giới này khuyên: “Những mảnh đất rộng thường sẽ chỉ có một phần nhỏ là đất thổ cư, còn lại là đất trồng cây nên việc tách sổ là rất khó. Nếu nhà đầu tư có thể xin chuyển đổi mục đích đất thì tốt. Nhưng để tránh rủi ro có thể để cho 1 người đứng tên, trước đó sẽ làm một bản thỏa phận và ghi rõ phần trăm góp vốn của từng người. Hoặc có thể ghi tên tất cả những người góp vốn vào sổ đỏ mang tính chất đồng sở hữu”.