Hiện nay, Quảng Nam vẫn có hoạt động du lịch. Những vùng “xanh” vẫn đang mở cửa đón khách đã tiêm đủ 2 mũi, nhưng mà số lượng khách không nhiều.
Du lịch đang dần mở cửa
Chia sẻ tại Toạ đàm do báo Dân trí mới đây, ông Lê Ngọc Tường, Phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết, hiện nay, Quảng Nam vẫn có hoạt động du lịch. Những vùng “xanh” vẫn đang mở cửa đón khách đã tiêm đủ 2 mũi, nhưng mà số lượng khách không nhiều. Hiện Sở du lịch tỉnh đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan về kế hoach đón khách nội địa và quốc tế cũng như phối hợp với các thành phố như Đà Nẵng, Tp.HCM, Hà Nội để thống nhất cùng mở cửa. cố gắng trong tháng 11 có 90% người dân Hội An và doanh nghiệp được tiêm đủ vắc xin.
“Chúng tôi theo hướng thích ứng, an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả hoạt động du lịch Quảng Nam với các tỉnh. Trong lộ trình, chúng tôi ưu tiên tiêm vắc xin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Khi được phủ vắc xin, người dân Hội An, Quảng Nam cũng như thành phố Đà Nẵng sẽ được đi lại để du lịch nội địa”, ông Tường nhấn mạnh.
Theo vị Giám đốc này, qua tháng 12, Sở đề nghị các công ty lữ hành xây dựng những tour khép kín để đi du lịch giữa Quảng Nam – Đà Nẵng bằng những chuyến bay charter, đảm bảo đáp ứng các quy định mới về thích ứng, an toàn, linh hoạt và hiệu quả về hoạt động phòng chống dịch.
Đầu năm 2022 sẽ đón khách quốc tế. Vừa rồi, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch cũng như Chính phủ đã thống nhất, sau khi thí điểm tại Phú Quốc sẽ chọn Hội An, Quảng Ninh, Nha Trang để đón khách quốc tế. Sở cũng đã có phương án đầy đủ cho chương trình này.
Để làm được điều này, Sở Du lịch tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: Ưu tiên tiêm vắc xin; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch cũng như du khách; Tăng cường hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động để họ có thể mở cửa hoạt động du lịch trên địa bàn; Ban hành bộ tiêu chí đánh giá độ an toàn của các cơ sở kinh doanh du lịch. Dựa vào đây, các doanh nghiệp sẽ xem xét, áp dụng và các cơ quan nhà nước cũng có thể giám sát, đánh giá khả năng đón khách của các tổ chức, cá nhân; Xây dựng các gói kích cầu, các chương trình thúc đẩy các tour cũng như các sản phẩm du lịch xanh, du lịch làng quê – làng nghề, các sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng du lịch mới; Triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến để thu hút khách đến.
“Đó là một số nhiệm vụ, giải pháp đã được đưa vào kế hoạch đón khách trong thời gian tới. Kế hoạch này sẽ được triển khai từ cuối tháng 11 đến hết năm 2022”, ông Tường cho biết.
Bỏ tiền như thế nào sau dịch?
Cũng chia sẻ tại toạ đàm, bà Trịnh Thị Thu Trang, Giám đốc kinh doanh công ty Đất Xanh Miền Trung lưu ý cho NĐT khi chọn BĐS Quảng Nam – Hội An để đầu tư sau dịch.
Theo bà Trang, khi đầu tư một dự án bất động sản, điều đầu tiên người mua cần quan tâm là chủ đầu tư hoặc nhà phát triển dự án ấy là ai, có uy tín hay không, năng lực thế nào và đã thực hiện các dự án lớn ra sao… Hiện nay, tình trạng nhà đầu tư gặp rủi ro khi đầu tư vào bất động sản vẫn rất nhiều. Từ năm 2019 đến nay, khi Chính phủ thực hiện thanh tra một số dự án thì tôi thấy thị trường hiện nay đã tốt và khách hàng cũng yên tâm hơn trong việc giao dịch. Nhưng năng lực của chủ đầu tư vẫn rất là quan trọng.
Đối với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, việc vận hành cũng rất quan trọng. Chúng ta mua về nhưng phải có một đơn vị quản lý, vận hành để khai thác cho thuê.
Điều thứ 3 theo bà Trang là về giá bán hoặc phương thức thanh toán. Người mua lưu ý tránh dùng đòn bẩy tài chính quá lớn, thì đến khi gặp những khó khăn mà thanh khoản sản phẩm chưa được thì có thể gặp những rủi ro về tài chính. Nhhững nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng thì nên chọn sản phẩm và phương thức thanh toán phù hợp với tài chính mình đang có.
Thứ tư là các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng không phải là khoản đầu tư ngắn hạn. Với đất nền hoặc khu đô thị, người mua có thể bán lại sau 6 tháng đến một năm để kiếm lời và mang lại nguồn lợi nhuận rất lớn nếu thị trường có “sốt”. Tuy nhiên bất động sản nghỉ dưỡng thường gia tăng do chính các yếu tố nội tại của dự án, vì chúng thường tọa lạc tại vị trí rất đắc địa và quỹ đất dành cho các dự án nghỉ dưỡng hiện nay rất khan hiếm. Nếu đi từ Đà Nẵng đến Hội An, gần như dự án mới là không có nữa, chỉ còn các dự án đã được phê duyệt trước đây và bây giờ tiếp tục thực hiện. Cho nên, quỹ đất ngày càng khan hiếm và việc gia tăng lợi nhuận đầu tư, chúng ta phải xác định là dài hạn, chứ không thể ngắn hạn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, Chính phủ đã định hướng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong định hướng đến 2025-2030, chúng ta phải trở thành một trong những cường quốc du lịch quốc tế và phải có hệ thống hạ tầng đảm bảo đáp ứng cho lượng khách từ 35-50 triệu lượt khách quốc tế và trên 100 triệu lượt khách du lịch nội địa. Chúng ta sẽ cần đầu tư về hạ tầng du lịch rất nhiều, trong đó Hội An là một trong những điểm thu hút lượng du khách mạnh và tiềm năng lớn trong việc đón khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế.
“Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, xã hội sẽ có trạng thái bình thường mới và du lịch sẽ được quan tâm mạnh nhất. Tôi tin rằng, nếu thực hiện đúng theo quyết tâm của Chính phủ cũng như các địa phương trong việc tạo ra những vùng xanh, cung đường xanh và đẩy mạnh việc tiêm vắc xin cho người dân thì có lẽ, du lịch sẽ là hoạt động có sức bật nhanh nhất. Vừa rồi, tôi cũng có dự hội thảo, các chuyên gia cũng có đề cập đến một khái niệm là “tiêu dùng trả thù” cho khoảng thời gian mà các hoạt động bị kiềm nén và dừng lại. Hội An chắc chắn cũng sẽ có một sự bùng phát về du lịch”, ông Đính chia sẻ.