TTO – Dòng tiền lợi nhuận từ chứng khoán cũng như việc các ngành kinh doanh khác gặp khó khăn sẽ chuyển hướng vào bất động sản, qua đó sẽ làm tăng giá các sản phẩm nhà đất vào đầu năm 2022.
Đất nền vùng ven vẫn là kênh đầu tư bất động sản được nhiều người quan tâm và lựa chọn – Ảnh: TL
Nhiều chuyên gia kinh tế đều có cùng nhận định như vậy tại hội thảo “Triển vọng thị trường bất động sản sau dịch COVID-19” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 29-10.
Theo TS Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế, chúng ta khẳng định kinh tế đi lên hay đi xuống, lượng tiền vẫn thế, thậm chí sẽ còn tăng lên. Tiền còn rất nhiều, tiền chỉ đi từ túi người này sang túi người khác.
Với diễn biến của thị trường chứng khoán và bất động sản thời gian qua, câu nói tiền trong dân còn rất nhiều là chính xác.
Chứng khoán vẫn tăng lên ở nhiều nhóm và đi vào các doanh nghiệp làm ăn tốt. Về nguyên lý, tiền phải có chỗ đi, dịch chuyển đâu đó, nó vào chứng khoán không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới chứng kiến sự bùng nổ của thị trường chứng khoán.
Bất động sản cũng vậy, vì đây là kênh tiền đi vào khi sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Với việc chứng khoán tăng kỷ lục trong năm 2021, dòng tiền tới đây sẽ hiện thực hóa khoản lãi từ thị trường này sang bất động sản.
Nhưng sự phục hồi thị trường bất động sản sẽ không có chuyện giống như lò xo bị nén do tất cả yếu tố về kinh tế và thị trường bất động sản bị ảnh hưởng sau một thời gian dài đóng băng.
Việc doanh nghiệp đua phát hành trái phiếu với tỉ trọng lớn kéo theo rủi ro về trái phiếu là việc cần hết sức cảnh giác thời gian tới. Chúng ta cần lường trước những vấn đề trên để giúp cho thị trường bất động sản an toàn lành mạnh, tránh giẫm vào vết xe đổ thời gian vừa qua.
Người đầu tư đất vùng ven ngày càng trẻ và đến từ nhiều tỉnh thành – Ảnh: TL
Theo ông Nguyễn Thanh Quyền – tổng giám đốc Tập đoàn bất động sản Thắng Lợi, qua nghiên cứu trên 1.500 khách hàng giao dịch gần đây cho thấy 62% mua để đầu tư, 15% đang phân vân, còn lại mua để ở.
Trong đó có 78% khách hàng đến từ TP.HCM, giảm so với năm 2020 và đã xuất hiện khách hàng ở địa phương khác đến. Về độ tuổi, nhóm từ 31 đến 45 tuổi chiếm 51% cho thấy sự trẻ hóa vì trước đây đa phần có độ tuổi trên 45 mua để tích lũy.
“Trước đây, khách hàng muốn mua bất động sản ở gần trung tâm tiện cho việc đi lại, nhưng giờ họ chấp nhận đi xa hơn trên cơ sở liên kết vùng” – ông Quyền nhìn nhận.
Dự báo về tình hình thị trường cuối năm 2021 và năm 2022, ông Quyền cho rằng có thể chia làm bốn giai đoạn.
Giai đoạn hiện hữu từ 1-10 đến 17-1 (15 tháng chạp âm lịch) sẽ là thời điểm tăng trưởng trở lại khoảng 5-10%.
Giai đoạn 2 từ 18-1 đến 15-2 là giai đoạn nghỉ ngơi khi rơi vào Tết Nguyên đán.
Từ 16-2 đến 31-3 là giai đoạn tăng trưởng, dự đoán khoảng 10-15% khi nhiều khách hàng sẽ chốt chứng khoán có thể đổ vào bất động sản.
Giai đoạn thứ 4 diễn ra trong quý 2-2022 sẽ quyết định sự “ấm lên” của thị trường là bao nhiêu trong cả năm 2022.
Trong tham luận tại hội thảo, lãnh đạo của Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng tuy dịch bệnh kéo dài gây nhiều tổn thất nhưng giá bất động sản vẫn tăng rất nhiều, nhất là các sản phẩm để ở và bất động sản vùng ven do quỹ đất không còn.
Các tỉnh vệ tinh như Đồng Nai, Bình Dương cũng không còn quỹ đất tốt, có pháp lý hoàn thiện nên các doanh nghiệp phải ra xa nữa mới tìm kiếm được quỹ đất để phát triển dự án. Điều này khiến các quỹ đất eo hẹp và giá vì thế cũng tăng cao. Hơn nữa, các chi phí vốn, xây dựng, tiền sử dụng đất cũng tăng mạnh khiến giá bất động sản tăng theo.
Ông Nguyễn Hoàng, giám đốc nghiên cứu & phát triển Công ty DKRA Việt Nam, cho biết tâm lý tích cực phục hồi trên thị trường trong một tháng qua, các chủ đầu tư đang cố gắng giành giật lại những gì đã mất trong thời gian giãn cách xã hội.
Trong thời gian giãn cách nhiều người lo lắng thị trường bị đóng băng nhưng chỉ trong tháng 7, sang tháng 8, tháng 9 doanh nghiệp đã chuyển sang bán hàng online… thị trường bất động sản bắt đầu khởi sắc.
Bước sang năm 2022, áp lực tăng giá sẽ rất lớn bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ quý 1-2021 là lạm phát, chi phí vật liệu xây dựng tăng, chi phí đầu vào tăng…
Đặc biệt, từ quý 2-2022, khi kinh tế phát triển mạnh trở lại (nhiều dự báo cho rằng GDP năm 2022 có thể lên đến 6,5 – 7,5%), Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân cho cả trẻ em thì bất động sản sẽ càng có đà tăng giá – ông Nguyễn Hoàng nhận định.