TTO – Dù chịu tác động của dịch bệnh nhưng thị trường bất động sản vẫn cho thấy nhiều chỉ số khả quan cho tăng trưởng như giá bất động sản không giảm, nhu cầu cao, thu hút vốn đầu tư lớn.
Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng giá bất động sản vẫn không giảm và giao dịch đã sôi động trở lại sau giãn cách – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thông tin trên được nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo “Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 28-10.
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2021, có 1.000 doanh nghiệp bất động sản đã và đang hoạt động trở lại. Vốn FDI đăng ký mới trong lĩnh vực bất động sản đạt 1,74 tỉ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 2 sau nhóm chế biến, chế tạo… Phát hành trái phiếu bất động sản cũng rất sôi động với 148.000 tỉ đồng, chiếm 37% toàn bộ doanh nghiệp, đứng thứ 2 sau nhóm ngân hàng. Giá cổ phiếu bất động sản niêm yết cũng tăng.
Những yếu tố trên cho thấy người dân vẫn đầu tư vào bất động sản, vẫn mua nhà. So với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, đại dịch COVID-19 tác động tới nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản có sự khác biệt.
Trước đây, khi gặp khó khăn thì nhu cầu sụt giảm ngay lập tức. Nhưng ở đại dịch lần này, nhu cầu một số lĩnh vực như bất động sản khu công nghiệp, logistics, nhà ở… vẫn phát triển tốt.
Giao dịch bất động sản trong những tháng giãn cách xã hội giảm rất mạnh nhưng giá bất động sản không giảm, phản ánh nhu cầu thị trường vẫn cao. Dòng tiền rẻ, lãi suất thấp ở các nước và cả ở Việt Nam khiến cho dòng tiền chờ vào bất động sản tương đối dồi dào thời gian qua.
Ông Lực cũng cho rằng triển vọng tăng trưởng của kinh tế nói chung và thị trường bất động sản là tích cực khi Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc xây dựng chương trình phục hồi kinh tế trong 2 năm 2022 – 2023, đang có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho khối doanh nghiệp.
“Kỳ vọng với những chương trình này cộng với khả năng nền kinh tế sẽ như lò xo bật sau đại dịch, khả năng tăng trưởng GDP trong năm 2022 ở mức 6,5 – 7% là tương đối khả quan”, ông Lực nhận định.
Ông Vương Duy Dũng, trưởng phòng quản lý nhà – thị trường bất động sản, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết thị trường bất động sản nhìn chung gặp khó khăn, giảm phát cả về nguồn cung và lượng giao dịch. Tổng nguồn cung chỉ đạt 60-70%, lượng giao dịch còn thấp hơn, chỉ 40-50% so với quý 2-2021.
Tuy nhiên, sự giảm phát của thị trường không đồng nhất ở các địa phương, giảm nhiều hơn ở địa phương đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM. Qua đó có thể thấy rằng thị trường giảm phát không phải do nhu cầu mà chỉ là ảnh hưởng ngắn hạn do tác động dịch bệnh tạo nên. Nguồn cung giảm nhưng lực cầu không giảm, đặc biệt giá không giảm. Chỉ có giá cho thuê mặt bằng dịch vụ thương mại giảm tại các địa phương chịu ảnh hưởng dịch bệnh lớn.
Năm 2020 và đầu năm 2021 có nhiều cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản. “Chưa có giai đoạn nào mà thời gian ngắn vậy mà hàng loạt đạo luật, cơ chế chính sách được nghiên cứu sửa đổi nhanh chóng như vậy. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục tháo gỡ một số cơ chế, chính sách khác trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản”, ông Dũng cho biết.