TTO – Trung Quốc thông báo thí điểm đánh thuế bất động sản trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình đang thúc đẩy chính sách “thịnh vượng chung” ở quốc gia tỉ dân này nhằm mục đích phân bố của cải hợp lý hơn.
Một người đàn ông chạy xe ngang qua các tòa chung cư đang được xây dựng ở TP Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) ngày 19-1-2019 – Ảnh: REUTERS
Cuối tuần trước, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc cho biết nước này sẽ thí điểm đánh thuế bất động sản ở một số khu vực.
Quốc vụ viện (tức Chính phủ) Trung Quốc sẽ xác định khu vực nào tham gia chương trình thí điểm này và các chi tiết khác, theo Hãng tin Tân Hoa xã.
Việc đánh thuế có thể giúp hạ giá nhà đã tăng hơn 2.000% kể từ khi Trung Quốc thực hiện chính sách tư nhân hóa thị trường nhà ở vào những năm 1990.
Cuộc thảo luận về kế hoạch đánh thuế bất động sản diễn ra vào thời điểm nhạy cảm, khi thị trường bất động sản Trung Quốc đang có dấu hiệu căng thẳng đáng kể và giá nhà bắt đầu giảm tại hàng chục thành phố.
Theo Tân Hoa xã, thuế bất động sản sẽ áp dụng với tất cả các loại bất động sản nhà ở và không phải nhà ở tại các vùng thí điểm (ngoại trừ một số loại hình nhà ở nông thôn). Người nộp thuế là người giữ quyền sử dụng đất và chủ sở hữu nhà ở.
Đề án thí điểm dự kiến kéo dài 5 năm sau khi Quốc vụ viện Trung Quốc công bố các chi tiết. Hiện nay Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp chống đầu cơ bất động sản.
Ý tưởng đánh thuế với chủ sở hữu nhà ở lần đầu xuất hiện vào năm 2003, nhưng đã không thành công do nhiều người lo ngại rằng điều này gây thiệt hại cho nhu cầu bất động sản, giá nhà, tài sản hộ gia đình và các dự án bất động sản trong tương lai.
Trong các chương trình thí điểm triển khai năm 2011, hai thành phố lớn là Thượng Hải và Trùng Khánh đã đánh thuế các bất động sản nhà ở tư nhân cao cấp. Nhưng cho đến nay các chương trình thí điểm này vẫn chưa được mở rộng ra nhiều thành phố khác.
Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc sẽ “tăng cường điều chỉnh” thu thuế để tăng nguồn thu và cải cách phân phối thu nhập theo hướng có mục tiêu và chính xác. Đây là một phần trong nỗ lực đạt được “thịnh vượng chung” lâu dài ở Trung Quốc.