Theo Cổng thông tin điện tử Hà Nội, tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19, sáng 19/10, lãnh đạo các bộ, ngành, Thành phố và các sở, ngành đã tiếp thu, giải đáp.
Tại hội nghị đại diện Liên doanh Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG đã có những ý kiến tháo gỡ khó khăn xây dựng dự án xây dựng Thành phố thông minh tại huyện Đông Anh. Giải đáp kiến nghị này, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Nguyễn Trúc Anh cho biết, đối với những kiến nghị của Liên doanh Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG, ngay trong chiều nay, Bí thư Thành ủy sẽ chủ trì làm việc với Liên doanh và các sở, ngành Thành phố để tháo gỡ.
Đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch Khu đô thị Gamuda (quận Hoàng Mai), Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Nguyễn Trúc Anh cho biết Thành phố đã giao Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội điều chỉnh, phấn đấu hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Với tinh thần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã xây dựng quy trình ISO, trong 20 ngày, phải trả lời doanh nghiệp các vấn đề liên quan đến Quy hoạch Kiến trúc; ngoài ra, Sở đã công bố đường dây nóng, các doanh nghiệp có thể nhắn tin trực tiếp đến Giám đốc Sở để tiếp thu, giải quyết.
Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Bùi Duy Cường cho biết, đối với những vướng mắc tại Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Thành phố đã thành lập tổ công tác, tổng hợp báo cáo để xin ý kiến Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ, giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Thành phố. Về giải phóng mặt bằng, hiện Khu đô thị Gamuda vướng khoảng 1.500m2 do liên quan đến nguồn gốc đất đai, quận Hoàng Mai sẽ phấn đấu hoàn thành trong tháng 11 năm nay. Đối với 2 khu đất trồng lấn với Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai đang làm thủ tục để giải phóng mặt bằng. Còn khu vực chồng lấn với 2 khu nghĩa trang, Thành phố sẽ điều chỉnh quy hoạch ranh giới dự án để để chỉnh trang khu vực nghĩa trang, đảm bảo cảnh quan môi trường.
Liên quan đến kiến nghị của Công ty TNHH Phát triển T.H.T (chủ đầu tư dự án khu đô thị Tây Hồ Tây) về hỗ trợ về thủ tục để đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh các quy hoạch phân khu liên quan, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để các dự án sớm hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Bùi Duy Cường cho biết, Thành phố đã giao 129/186 ha của dự án; còn 57 ha, Sở đã tham mưu Thành phố tháo gỡ tối đa chính sách giải phóng mặt bằng, đồng thời, tiếp tục phối hợp với các quận để đẩy nhanh tiến độ, bàn giao đất cho Công ty.
Cảm ơn Hà Nội cho mở cửa lại các khách sạn, Đại diện Công ty TNHH Global Toserco mong muốn được gia hạn thuê đất cho các khách sạn, hoãn trả thuế đất trên cơ sở quy mô đất cũng như mục đích sử dụng đất, xem xét giảm lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, miễn bảo hiểm xã hội cho chuyên gia nước ngoài.
Về kiến nghị này, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đặng Hương Giang cho biết, hiện nay, Chính phủ đã có Nghị quyết 128/NQ-CP và UBND Thành phố đã có Chỉ thị số 21/CT-UBND cho phép hoạt động lại một số dịch vụ, trong đó dịch vụ khách sạn, lưu trú được hoạt động với công suất không quá 50%. Trên cơ sở đó, Sở Du lịch đã xây dựng, báo cáo UBND Thành phố về dự thảo Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội gắn với phòng, chống dịch Covid-19, trong quý IV/2021 và Bộ tiêu chí thích ứng an toàn dịch bệnh Covid-19 trong hoạt động du lịch. Trong đó, sẽ tạo điều kiện để các đơn vị cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng mở cửa an toàn, phục vụ khách du lịch đủ điều kiện theo từng giai đoạn, dự kiến triển khai khi được UBND Thành phố cho phép. Sở cũng đề xuất mở cửa du lịch theo lộ trình và độ bao phủ vắc xin.
Về tiền thuê đất, ngày 25/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo đó, giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Trường hợp doanh nghiệp có kiến nghị giảm tiền thuê đất ngoài mức giảm nêu trên thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Cục Thuế TP Hà Nội sẽ ghi nhận, tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam cho biết, hiện, tiến độ tổng thể Dự án Bãi đỗ xe, Trung tâm thương mại AeonMall Hoàng Mai đang bị chậm 2 năm so với tiến độ yêu cầu, doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ: Hoàn thiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 17 hộ dân còn lại để tiến hành sớm công tác GPMB; hoàn thiện cấp chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và thủ tục thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sớm khởi công dự án đúng tiến độ.
Đối với kiến nghị này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Bùi Duy Cường cho biết, đến nay, cơ bản dự án Bãi đỗ xe; Trung tâm thương mại AeonMall Hoàng Mai cơ bản đã xong phần GPMB. Hiện, chỉ còn 17 hộ gia đình chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm căn cứ chuyển nhượng, Sở đã phối hợp với UBND quận Hoàng Mai đang làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận cho 17 hộ này, dự kiến hoàn thành trong tháng 11 làm cơ sở để bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.