Nhiều năm trước, giới đầu tư bất động sản phía Bắc vẫn được biết đến với đặc tính ưa thích sự phiêu lưu khi thường xuyên Nam tiến tìm kiếm các cơ hội đầu tư sinh lời. Thế nhưng 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khẩu vị của nhà đầu tư phía Bắc đã có sự thay đổi.
Thời kì đầu sau giai đoạn khủng hoảng bất động sản 2009-2012, trong sự khởi sắc trở lại của thị trường bất động sản, nhà giàu phía Bắc có xu hướng “Nam tiến” tìm kiếm cơ hội đầu tư. Hà Nội dù luôn là một thị trường trọng điểm nhưng thời điểm đó lại thiếu sức hút đầu tư do sản phẩm bất động sản tập trung chính ở nội đô – nơi quỹ đất khan hiếm làm mặt bằng giá bị đẩy lên cao, khiến dư địa tăng giá thấp và thanh khoản khó.
Trong khi đó, thị trường phía Nam giai đoạn này liên tục được khuấy động với những con sóng trồi sụt ở khu Đông, khu Tây, khu Nam TP.HCM, các thị trường giáp ranh Đồng Nai, Long An, Bình Dương và sự bùng nổ của bất động sản nghỉ dưỡng ven biển với loại hình chủ đạo condotel. Do đó, xu hướng Nam tiến của nhà đầu tư phía Bắc là tất yếu. Thời điểm này, nhiều chủ đầu tư, nhiều sàn giao dịch phía Nam thường xuyên tiến quân ra Bắc giới thiệu, mở bán nhằm quảng bá dự án và mở rộng thị phần.
(Ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua, kéo theo giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển, bên cạnh đó là sự trỗi dậy của các thị trường giáp ranh Hà Nội và sức nóng của đất nền ven đô đã khiến xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư phía Bắc có sự thay đổi. Nhà giàu phía Bắc thay vì những chuyến Nam tiến xa xôi, đã chọn những điểm đầu tư gần thủ đô.
Báo cáo nghiên cứu thị trường quý 1/2020 của Batdongsan.com.vn cho thấy sức hút của các thị trường ven đô và vệ tinh Hà Nội. Cụ thể, mức độ quan tâm đến bất động sản các tỉnh xung quanh Hà Nội tăng mạnh trong thời điểm đầu năm, tập trung ở các khu vực trong phạm vi bán kính cách Hà Nội 50km.
Trong đó, các thị trường ven đô bán kính 20km của Hà Nội ghi nhận mức tăng đáng chú ý khi Đông Anh (Hà Nội) tăng 36%, Ba Vì (Hà Nội) tăng 33%, Quốc Oai (Hà Nội) tăng 32%, Gia Lâm (Hà Nội) tăng 18%, Thanh Trì (Hà Nội) tăng 8%, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm (Hà Nội) tăng 4%. Các tỉnh thành vệ tinh như Từ Sơn (Bắc Ninh) tăng 67%, Thái Nguyên tăng 50%, Bắc Giang tăng 37%, Hòa Bình 35%, Hải Dương 19%, Văn Giang (Hưng Yên) tăng 13%.
Trên thực tế, những năm gần đây, thị trường ven đô và vệ tinh Hà Nội liên tục trồi sụt với các cơn sóng đất tại các khu vực trên. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, trong 2 năm qua, nền kinh tế và thị trường đang chịu những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 cùng với việc đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là hệ thống hạ tầng khiến thị trường bất động sản khu vực phía Bắc xuất hiện nhiều đợt nóng sốt.
Thời điểm quý 1/2021, báo cáo của Batdongsan.com.vn ghi nhận mối quan tâm thị trường phía Bắc thời điểm này đã tái hiện đỉnh quan tâm của năm 2006 – thời điểm thị trường cũng đón nhiều thông tin quy hoạch như quy hoạch không gian Hà Nội, nhiều tỉnh thành ban hành quy hoạch mới…
Anh Phạm Văn Đông, một môi giới chuyên thị trường đất nền vùng ven Hà Nội hơn chục năm nay cho biết, khoảng 2 năm gần đây khách hàng đầu tư mà anh tư vấn có một lượng không nhỏ các nhà đầu tư từng chinh chiến và gặt hái lợi nhuận tại các thị trường TP.HCM, Bình Dương, Long Thành (Đồng Nai), Phú Quốc, Bắc Vân Phong và một số thị trường đất nền ven biển phía Nam khác.
Thế nhưng hai năm nay, do dịch bệnh, việc đi lại bị hạn chế, cùng với đó là sự trỗi dậy và tiềm năng của các thị trường phía Bắc, các nhà đầu tư này đã rút toàn bộ hoặc 1 phần vốn để tập trung hẳn vào các thị trường gần nhà.
Cũng theo anh Đông, do đã có kinh nghiệm tại khu vực phía Nam nên nhóm các nhà đầu tư này đều bắt nhịp rất nhanh khi đổ tiền vào thị trường phía Bắc. Chính họ cũng góp phần tạo nên các cơn sốt đất thời gian qua.