TTO – Việt Nam đang có cơ hội vàng để phát triển xe điện vì có tiềm năng phát triển điện sạch; xe điện là lĩnh vực mới nhưng Việt Nam có cùng điểm xuất phát với các nước trong khu vực, thậm chí nhỉnh hơn…
Trạm sạc pin cho xe điện được VinFast bố trí tại Đại học Giao thông vận tải – Ảnh: LÊ TÙNG
Bà Phan Thị Thùy Dương – giám đốc trung tâm phát triển trạm pin VinFast – nhận định như vậy tại hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam” do báo Giao Thông phối hợp Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) tổ chức.
Theo bà Dương, song song với phát triển các dòng xe điện như xe máy, ôtô con, xe buýt, VinFast đã phát triển hệ thống trạm sạc, xưởng dịch vụ, dịch vụ mới là cho thuê pin xe điện.
Trong năm 2021, VinFast quy hoạch 2.121 vị trí trạm sạc trên 63 tỉnh thành với trên 2.000 trạm sạc với gần 40.000 cổng sạc. Các trạm sạc được bố trí ở các chung cư, cây xăng, trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, trường học… Trạm sạc sử dụng công nghệ sạc an toàn, súng sạc chỉ phát điện khi cắm vào xe điện, không phát điện khi cắm vào người, vật dụng hay xe khác.
Tuy nhiên, theo bà Dương, hiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến việc đầu tư, bố trí trạm sạc cho xe điện còn trống do lĩnh vực này còn mới. Khi làm trạm sạc có địa phương phân vân, chờ ý kiến… Cũng chưa có quy hoạch điện phù hợp với bố trí trạm sạc.
Mặc dù vậy, bà Dương nhận định Việt Nam đang có cơ hội vàng phát triển xe điện vì có tiềm năng phát triển điện sạch như gió, mặt trời. Xe điện là lĩnh vực mới nên Việt Nam đang ở cùng điểm xuất phát với các nước trong khu vực. Thậm chí Việt Nam là nước đầu tiên có doanh nghiệp sản xuất xe điện trong khu vực.
“Như vậy ta đang ở cùng và nhỉnh hơn các nước khu vực. Nhưng nếu để chậm 1-2 năm khi các nước khu vực hoàn thiện chính sách pháp lý và hạ tầng trước ta thì Việt Nam sẽ mất đi cơ hội, thụt lùi so với họ” – bà Dương lý giải.
Bà Dương đề xuất Chính phủ nhanh chóng lấp đầy khoảng trống pháp lý nói trên; quy định các công trình đường bộ, đô thị, chung cư phải có trạm sạc pin cho xe điện…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề nghị Việt Nam cần có chính sách cụ thể hơn về ưu đãi thuế, phí trong sản xuất xe điện, đầu tư trạm sạc, quy hoạch, cung cấp nguồn điện cho các trạm sạc.
Bên cạnh đó cần có quy định vận chuyển, tái chế pin lithium dùng cho xe điện. Hiện nay, luật bảo vệ môi trường buộc thu hồi pin xe điện thải bỏ từ năm 2024. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có doanh nghiệp tái chế mà chuyển tới Singapore để tái chế pin khiến chi phí lớn, ảnh hưởng tới giá xe. Do vậy, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ phát triển nhà máy tái chế pin lithium cũng như trạm sạc, trạm đổi pin…