Đang yên ổn bỗng nhiên bị rơi vào diện “tranh chấp” vì nhờ “cò” bán nhà

  • 3 năm trước
  • 0

Cần bán một căn nhà nhỏ ở quận 12 với giá chưa đến 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, gần 1 năm qua anh T. vẫn chưa bán được nhà vì liên tục bị “cò đất” quấy rối.

Đang yên ổn bỗng nhiên bị rơi vào diện “tranh chấp” vì nhờ

Đó là trường hợp của anh L.V.T, chủ của một căn nhà có diện tích khá nhỏ, chưa đầy 40m2 tại quận 12, Tp.HCM. Anh T. cho biết, đây là căn nhà anh được bố mẹ tặng riêng trước khi lấy vợ, tuy nhiên vì diện tích quá nhỏ nên anh T. lo lắng rằng nếu cưới vợ sinh con sẽ chật chội.

Mong muốn tìm một nơi căn nhà khác rộng rãi hơn, giữa năm 2020 anh T. rao bán với giá khá rẻ, chưa đầy 2 tỷ đồng. Căn nhà tuy diện tích nhỏ nhưng vị trí khá đẹp, gần chợ, thuận tiện di chuyển ra khu vực trung tâm. Vì muốn bán nhanh nên anh T. gửi rất nhiều môi giới (cò đất) để nhờ bán. 

Căn nhà có giá khá tốt nên rất đông môi giới nhận rao bán cho anh T., với hoa hồng được hứa trả cho môi giới nào chốt thành công là 30 triệu đồng. Vì căn nhà có giá khá tốt, nên ban đầu rất nhiều môi giới liên hệ với anh T. để dẫn khách đến xem nhà. Một mặt vì công việc quá bận rộn, sau đó anh T. đã giao chìa khóa nhà cho môi giới tự dẫn khách đến xem chứ không trực tiếp mở khóa.

Khoảng đầu tháng 7, một môi giới tên H. nói với anh T. rằng có một vị khách rất thiện chí muốn xem nhà. Vị khách hàng này được môi giới tên H. dẫn đến xem nhà, tỏ vẻ ưng ý và trả giá xin giảm bớt 100 triệu đồng. Tuy nhiên, anh T. cho rằng mức giá nhà đã đưa ra là đã hợp lý và chỉ đồng ý giảm 20 triệu đồng. Không thuận tình với mức giá này, vị khách đã trở về và nói với môi giới tên H. rằng không đồng ý mua căn nhà trên.

Khoảng một tuần sau, có một môi giới khác cũng liên hệ với anh T. nói rằng có khách muốn đến thương lượng để chốt mua bán nhà. Khi môi giới này dẫn khách đến, và đây cũng chính là vị khách mà môi giới tên H. trước đó đã dẫn đến xem nhà. Lần này, sau khi thương lượng giảm giá không có kết quả, vị khách trên đã đồng ý mua căn nhà với mức giảm 20 triệu đồng, ngang bằng đợt thương lượng trước đó. Sau đó, vị khách đã cọc cho anh T. số tiền 50 triệu đồng, chờ ngày ra công chứng.

Sau khi nhận cọc xong xuôi, anh T. thông báo trên group có các môi giới cùng bán nhà cho anh là đã chốt cọc thành công. Sau đó, môi giới tên H. (người đầu tiên dẫn khách đến) vô tình phát hiện ra vị khách chốt cọc chính là người mà H. đã dẫn đến đầu tiên. Lúc này, H. cho rằng chủ nhà và vị khách đã có sự thông đồng để “luồn cọc”, hoặc nghi vấn vị khách chỉ đi dò giá rồi đưa người nhà ra giả làm môi giới để “ăn chặn” tiền hoa hồng.

Cho rằng mình bị “chơi khăm”, môi giới tên H. đã liên tục nhắn tin, đe dọa chủ nhà, ép chủ nhà không được bán nhà cho vị khách trên. Môi giới tên H. cho rằng đó là khách mà mình dẫn đến đầu tiên, thì dù H. có chốt thành công giao dịch hay không thì vẫn phải trả 100% hoa hồng cho H. 

Tuy nhiên, anh T. cho rằng môi giới dẫn khách đến sau mới là người chốt cọc thành công, do đó hoa hồng phải thuộc về môi giới đến sau. Sau thời gian tranh cãi không có kết quả, anh T. đồng ý chia đôi hoa hồng cho H. và môi giới đến sau đã chốt bán thành công. Tuy nhiên, H. vẫn không đồng ý và yêu cầu phải trả đủ 100% hoa hồng.

Thương lượng không có kết quả, H. buộc phải đe dọa khách hàng, ép khách hàng phải bỏ cọc. Vị khách sau đó lo sợ bị quấy nhiễu đã xin hủy cọc và từ chối mua nhà. Cũng vì tức giận chủ nhà, H. sau đó nhiều lần dán bảng “nhà có tranh chấp” phía trước cửa của căn nhà, khiến cho anh T. vật vã nhiều tháng liền, cho tới nay đã hơn 1 năm qua trôi qua vẫn không bán được căn nhà trên để có tiền mua nơi khác.

Sau khi câu chuyện trên được chia sẻ, nhiều người cho rằng, chính chủ nhà mới là người sai đầu tiên. “Lẽ ra, khi môi giới thứ 2 dẫn khách đến xem và đồng ý mua nhà, nếu đó là vị khách mà trước đó môi giới khác đã dẫn đến thì chủ nhà nên gọi điện cho môi giới đầu tiên để trao đổi phương án giải quyết, thống nhất việc chia hoa hồng ra sao. Việc trao đổi thẳng thắn rồi mới đi đến phương án cuối cùng sẽ tránh được những rắc rối như trên”, một người nêu quan điểm.

Trong khi đó, nhiều người lại cho rằng môi giới đầu tiên đã cư xử không đúng mực. Bởi trên thực tế, người bán nhà thường sẽ không nắm rõ quy luật trong giới “cò đất”. Với mục đích bán nhanh, họ sẽ gửi rất nhiều người, ai là chốt được khách cuối cùng thì sẽ trả hoa hồng cho người đó.

Câu chuyện trên đã gây tranh cãi không có hồi kết, vì không biết rõ ai đúng ai sai, nhưng rõ ràng chủ nhà vẫn là người thiệt thòi nhất khi căn nhà hiện rất khó bán, nhiều môi giới sau đó cũng bất an không còn dám tiếp tục hỗ trợ rao bán cho anh T. nữa.

cafef.vn

Tham gia thảo luận

Compare listings

So sánh
Verified by MonsterInsights